Tín hiệu giảm lãi suất cho vay
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất theo Thủ tướng cần được làm thực chất.
Thông tin ghi nhận từ phía NHNN, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà băng đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức giảm 0,1 – 0,6 điểm % so với trước đó. Cụ thể, 3 trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và Agribank đã hạ lãi suất tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng xuống còn 7,2%/năm.
Các nhà băng tư nhân khác như Sacombank, ACB, LienVietPostBank, Bac A Bank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank, Saigonbank cũng đã giảm lãi suất 0,1- 0,6% tại hầu hết kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Thông tin các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm là tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc. Điều này đồng nghĩa, mức lãi suất cho vay mua bất động sản có thể chững lại hoặc giảm. Việc giảm lãi suất cho vay mua bất động sản là thông tin được nhiều nhà đầu tư rất kỳ vọng.
Cho phép đổi trái phiếu lấy tài sản
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08).
Thông tin này đã tạo ra gam màu sáng cho thị trường địa ốc khi tháo gỡ điểm nghẽn về trái phiếu cho doanh nghiệp địa ốc. Đáng chú ý, Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp và trái chủ thỏa thuận thực hiện phương thức "hàng đổi hàng". Đổi trái phiếu (cả gốc và lãi) lấy tài sản khác như: căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, cổ phần, cổ phiếu, giấy tờ có giá… theo nguyên tắc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan.
Một điểm mới khác của Nghị định 08, đó là trước đây, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành, nhưng quy định mới sửa đổi cho phép kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa 2 năm.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023 - 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỉ đồng. Trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỉ đồng. Nên HoREA đánh giá, Nghị định số 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023.
Gói 120.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi
Ngày 3/3, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường. Ngoài lãi suất cho vay thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2%, có thể có ưu đãi thêm về tiền sử dụng đất hay một số chính sách khác, nhằm đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất tạm dừng gói 110.000 tỷ đồng để tập trung vào gói 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước đề xuất. Giới chuyên gia cho rằng, gói 120.000 tỷ đồng sẽ dễ thực hiện và đi vào thực tế. Đây có thể là “nhân tố” góp phần phá băng thị trường địa ốc.
Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân. Những vấn đề bất cập trước đó của Luật Đất đai 2013 tác động trái chiều đến thị trường địa ốc đã được bàn thảo. Giới chuyên gia, nhà khoa học đã có đóng góp kiến nghị từ vấn đề thực tế đối với các quy định đang tạo ra sự mâu thuẫn, không còn phù hợp với diễn biến thực tại thị trường. Việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường địa ốc.