Thị trường chứng khoán vừa trải qua các phiên điều chỉnh sâu với thanh khoản lớn. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng thị trường điều chỉnh là cần thiết để tạo nền tảng vững chắc và bứt phá lên mức cao mới trong thời gian tới.
Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, xu hướng tăng trong trung và dài hạn vẫn còn khi thị trường đang được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản. Thứ nhất, đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, xu hướng này đã bắt đầu từ cuối quý I/2023. Thứ hai, chính sách hỗ trợ của chính phủ với chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, quỹ từ đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund cũng đánh giá động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang có phần hạ nhiệt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động tiêu cực. Dù vậy, quỹ này vẫn tỏ ra tự tin với những khoản đầu tư tại Việt Nam, một thị trường đầy hấp dẫn.
Lý do dầu tiên đến từ triển vọng kinh tế vĩ mô, Pyn Elite Fund dự báo GDP Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng hơn 5%, trong vài năm tới sẽ đạt trung bình từ 5-7%/năm và kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ duy trì ở mức 12-25%/năm. Năm 2022, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng tới 8%, mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Đánh giá cao sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện sau sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam; đồng thời, lạm phát vẫn được kiểm soát, chỉ tăng 2,9% trong tháng 8/2023, quỹ Pyn Elite Fund nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang tương đối rẻ. Chỉ số VN-Index hiện giao dịch ở mức P/E là 12,3 và có thể lên ngưỡng là 2.500 điểm vào năm 2025 - 2026 dựa trên mức P/E là 16 lần.
Thực tế thị trường chứng khoán thời gian qua ghi nhận nhiều mã tăng trưởng mạnh, có mã tăng bằng lần, có thể kể đến nhóm bất động sản và chứng khoán. Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm ngân hàng lại tăng chậm hơn. Theo Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, hiện nhóm ngân hàng tuy không được thúc đẩy nhiều bởi các yếu tố cơ bản nhưng tình hình tài chính của nhóm này khá tốt. Nên giá của các cổ phiếu trong ngành có thể không thể bứt phá mạnh trong ngắn hạn. Vì thế, câu chuyện sẽ được chuyển sang các cổ phiếu có tiềm năng nhất định, mà ở đây là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có câu chuyện riêng.
Ngoài “câu chuyện riêng”, định giá ngành ngân hàng hiện cũng đang ở mức hấp dẫn so với lịch sử 10 năm. Chẳng hạn HDB đang ở mức định giá rất hấp dẫn với P/E chỉ 6,12 lần, thấp hơn nhiều so với mức 9,8 lần trung bình ngành ngân hàng (vốn đang ở mức thấp của 10 năm) và mức hơn 15 lần của toàn thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong dài hạn trong bối cảnh kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng và khả năng thu hút vốn ngoại lớn hơn khi chính sách tài chính tiền tệ toàn cầu đảo ngược lộ trình thắt chặt; bên cạnh nội tại của doanh nghiệp và triển vọng ngành cao.
Theo báo cáo cập nhật của công ty chứng khoán ACBS hôm 5/9, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ cải thiện bởi: NIM phục hồi nhờ lãi suất huy động giảm nhanh và CASA đã tăng trở lại kể từ Q2/2023; Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ phục hồi mạnh nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm hơn 2% ở hầu hết các kỳ hạn kể từ đầu năm...
Tuy nhiên, ACBS lưu ý chi phí dự phòng sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm 2023 do nợ xấu vẫn ở mức cao và bộ đệm dự phòng không còn dày. ACBS cũng dự báo lợi nhuận của các ngân hàng trong VN-Index tăng trưởng 10% trong năm 2023 (so với mức giảm 2,5% trong 6 tháng đầu năm 2023), chậm lại so với mức tăng trưởng 34,6% trong năm 2022. Đây là định giá vẫn đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung và dài hạn…