Cả doanh nghiệp và người dân đều khó tiếp cận vốn vay bất động sản. (Ảnh: Int) |
Thị trường bất động sản được đánh giá là đóng góp 14% vào GDP của cả nước, thế nhưng mấy tháng gần đây liên tục bị gặp các “cú sốc” về pháp lý dự án, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và đặc biệt là việc khó tiếp cận vốn vay khiến thị trường bất động sản đang “ốm”.
Khó trăm bề
Sau 10 năm đi làm ở Hà Nội phải thuê nhà và chuyển chỗ ở nhiều nơi, chị Nguyễn Thuý Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) muốn mua lại một căn hộ chung cư khoảng 50m2 có giá 1,2 tỷ đồng, nhưng với khoản tích cóp mới được 600 triệu đồng vẫn chưa đủ. Vay người nhà cũng chỉ thêm được 200 triệu đồng. Cực chẳng đã chị đã phải đến ngân hàng vay thêm 400 triệu đồng. Tài sản thế chấp của chị là mảnh đất của bố mẹ ở quê.
Tuy nhiên, đến 2 ngân hàng lớn chị đều nhận được cái lắc đầu không thể vay mua nhà được trong thời điểm này. Đầu tiên chị đến phòng giao dịch của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) trên đường Nguyễn Cơ Thạch (Nam Từ Liêm) được nhân viên ở đây trả lời rằng room tín dụng cho vay mua nhà, đầu tư bất động sản đã hết. Nếu muốn vay cần phải gửi hồ sơ, xếp hàng, có người tất toán thì mới có thể vay được. Lãi suất năm đầu tiên 9%/năm, từ năm thứ hai sẽ thả nổi theo thị trường.
Hy vọng Ngân hàng Ngoại thương còn room tín dụng cho vay mua nhà, chị Hà lại đến phòng giao dịch của Ngân hàng này tại phố Duy Tân, thêm một cái lắc đầu từ nhân viên ở đây trả lời đã hết room tín dụng cho vay mua nhà.
Chị Hà chỉ là 1 trong nhiều trường hợp đi vay mua nhà thời gian gần đây phải quay về tay không. Theo nhân viên phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank, có những khách hàng xếp hồ sơ 3 tháng nay vẫn chưa được vay cùng với nguyên nhân hết room cho vay mua nhà, đầu tư bất động sản.
Mặc dù tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đều khẳng định không có văn bản nào siết chặt tín dụng vào bất động sản, nhưng những gì đang diễn ra thì thị trường thật sự đang khó khăn, khi nguồn cung hạn chế đã dẫn đến giá cả nhà đất leo thang từ đầu năm đến nay.
Theo tìm hiểu, các chủ đầu tư hay nhà đầu tư, trước khi triển khai dự án hoặc ra quyết định mua bất động sản, đều lên kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn, trong đó chủ yếu là vốn vay ngân hàng và đã được ngân hàng cam kết cho vay (thì mới ra quyết định đầu tư). Song, không thiếu trường hợp khi đến hạn giải ngân, phía ngân hàng đột ngột thông báo không cho vay hoặc kéo dài thủ tục.
Không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó, mà người dân có nhu cầu cũng đang bị thắt chặt hơn việc vay mua nhà. Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở, đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn. Điều này nếu được thực hiện, việc giải ngân vay mua nhà của những người có nhu cầu thực càng khó khăn hơn.
Thị trường khó khăn nhiều hơn thuận lợi?
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho biết, thủ tục pháp lý dự án đã chậm nay lại thêm thắt chặt tín dụng khiến chủ đầu tư đã khó lại càng khó hơn, đặc biệt là với các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
Theo đó, về bất động sản thương mại, chủ đầu tư đang gặp khó khăn về vấn đề giải ngân, chẳng hạn như có những hợp đồng đã ký cam kết rồi nhưng cũng rất khó giải ngân. Bên cạnh đó, khách hàng đầu tư hiện nay cũng khó vay hơn. Lúc trước họ vay ngân hàng để rải tiền đầu tư nhiều sản phẩm nhưng giờ ngân hàng không cho vay như vậy nữa. Điều này dẫn đến chủ đầu tư gặp khó trực tiếp từ nguồn tiền giải ngân và gián tiếp từ khách hàng mua.
Ngoài ra, đối với việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội, Nhà nước vẫn kiểm soát chặt trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Doanh nghiệp vẫn vay được, nhưng thủ tục chậm hơn so với trước đây, bây giờ kiểm tra thẩm định khó khăn hơn, kéo dài nhiều tháng.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thực tế việc tiếp cận nguồn vốn cho bất động sản đang rất khó khăn.
Trước đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính khẳng định không có hoạt động siết vốn, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp gần như không tiếp cận được vốn vay. Trong khi đó, dòng vốn chảy vào các sản phẩm đầu tư,đầu cơ, đất nền rất nhiều, nhưng vốn để cho nhà đầu tư tiếp cận sản phẩm, mua nhà ở và vốn cho chủ đầu tư triển khai dự án thì cực kỳ khó khăn. “Đây là những bất cập, không ổn định, không bền vững”, ông Đính nói.
Hôm 14/7 tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước.
Theo ông Đính, đây là nguồn động viên rất lớn đến thị trường. Hy vọng từ nay đến cuối năm các kiến nghị như Nhà nước cần đẩy nhanh các hoạt động tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh phát triển tín dụng, trong đó huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp cho những dự án phù hợp, ngăn chặn dòng vốn vào những dự án không phù hợp với thị trường, những dự án không mang lại lợi cho xã hội, cho người dân…
Nhận định thị trường bất động sản cuối năm 2022, ông Đính cho rằng thị trường sẽ khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Nguyên nhân do áp lực của lạm phát, giá dầu thế giới tăng, ảnh hưởng chính trị… Nếu không tỉnh táo, các chính sách, hành động của chúng ta không chuẩn mực thì những vấn đề của thị trường nặng nề hơn.
“Nếu có chính sách tốt, chúng ta sẽ hạn chế được khó khăn trong giai đoạn này, đặc biệt cần có kiểm soát vấn đề lạm phát. Hyvọng từ này tới cuối năm, với quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành triển khai các chính sách gỡ khó cho thị trường quyết liệt hơn sẽ hạn chế được khó khăn phần nào”, ông Đính nhấn mạnh.