Cà phê bật tăng mạnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý là việc hai mặt hàng cà phê cùng bật tăng mạnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Cà phê Arabica tăng mạnh gần 8% sau khi giá chạm mốc thấp nhất trong 2 tháng vào tuần trước đó nhờ hỗ trợ kép từ lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn cũng như lực kéo từ biến động mạnh của dầu thô.
Ngay đầu tuần, giá dầu thô bất ngờ tăng vọt hơn 6%, kết hợp với sự suy yếu của Dollar Index đã kích thích nhu cầu tích trữ cà phê như một sự đảm bảo về giá, hỗ trợ mặt hàng này bứt phá khỏi mức chặn trên tại 172 cents.
Cùng với đó, cán cân cung – cầu cà phê thế giới được Tổ chức Cà phê Thế giới ước tính thâm hụt 7.266 bao loại 60kg trong niên vụ 2022/23 khi sản lượng tại Brazil dù hồi phục nhưng khó có thể bù đắp hoàn toàn những thiếu hụt trong 2 năm trước đó. Điều này góp phần kích thích lực mua trên thị trường và đẩy giá đi lên.
Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York trong tuần qua tiếp tục ghi nhận sự suy yếu với mức giảm 11.950 bao, đưa tổng lưu trữ hiện tại về mức thấp nhất kể từ 13/12/2022. Tồn kho giảm kết hợp với ước tính thâm hụt cán cân cung – cầu toàn cầu làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung, từ đó kéo giá cà phê đi lên.
Robusta nối tiếp đà tăng với tuần thứ 3 liên tiếp với mức tăng 4,22%, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại các nước cung ứng chính đang là nguyên nhân quan trọng hàng đầu hỗ trợ mặt hàng này.
Theo đó, tổng nguồn cung Robusta trên toàn cầu được ICO ước tính sẽ giảm 2,1% khi chỉ đạt 72,7 triệu bao so với mức 74,3 triệu bao của niên vụ 2021/22. Kết hợp với cảnh báo nguồn cung đang khan hiếm tại Việt Nam và Indonesia của Reuters, càng khiến tâm lý thị trường trở lên hoang mang và kích thích lực mua, từ đó thúc đẩy giá tăng.
Đường thô tiếp tục chinh phục mức giá mới sau khi đã chạm mức cao nhất trong hơn 6 năm vào tuần trước, kết tuần giá tăng hơn 6% lên giao dịch tại 23,61 cents, mức cao nhất trong 77 tháng trong bối cảnh nguồn cung trở nên khan hiếm.
Các quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc và Liên minh Châu Âu đều đưa ra ước tính sản lượng trong niên vụ 2022/23 sẽ có sự sụt giảm, trong đó, Ấn Độ ước tính có thể xuống dưới mức 33 triệu tấn, thấp nhất trong 3 năm, đã gây sức ép lên nguồn cung toàn cầu và hỗ trợ giá tăng.
Không nằm ngoài xu hướng chung của các mặt hàng trong nhóm, giá dầu cọ cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,88% trước lo ngại nguồn cung thu hẹp cũng như hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thực vật thế giới nói chung.
Tồn kho dầu cọ tại Malaysia đang được giới phân tích dự đoán sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới khi nhu cầu từ nước ngoài được duy trì trong khi sản lượng ở mức thấp, khiến sự thiếu hụt xảy ra là tất yếu, từ đó hỗ trợ giá tăng trong tuần qua. Bên cạnh đó, giá dầu thô bật tăng vào đầu tuần cũng yếu tố thúc đẩy giá mặt hàng này trong tuần qua.
Dầu thô tăng hơn 6%
Kết thúc tuần vừa qua, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp do động thái cắt giảm sản lượng tự nguyện bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thâm hụt. Giá dầu WTI tăng 6,65% lên mức 80,7 USD/thùng, dầu Brent đóng cửa tuần với mức giá trên 85 USD/thùng, tương đương mức tăng 6,55%.
Giá dầu tăng mạnh ngay từ phiên đầu tuần, tương đương với mức tăng hơn 5 USD/thùng so với phiên cuối tuần trước đó do tuyên bố cắt giảm sản lượng đầy bất ngờ của nhóm OPEC+.
Cụ thể, OPEC, và các đồng minh bao gồm Nga công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 1,66 triệu thùng/ngày, tương đương với 1,6% nhu cầu thế giới, kể từ tháng 5 cho tới hết năm nay. Saudi Arabia và Nga là hai nước tiên phong trong đợt cắt giảm, với mỗi nước có kế hoạch hạ sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày.
Lo ngại nguồn cung thâm hụt, nhất là từ giai đoạn nửa cuối năm nay khi mùa lái xe cao điểm tại Mỹ và sự phục hồi kinh tế hậu mở cửa tại Trung Quốc được dự đoán sẽ khiến nhu cầu tăng cao, qua đó thúc đẩy lực mua mạnh mẽ.
Trong khi đó, thêm vào mối lo về nguồn cung, Chính phủ Mỹ vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục các công ty khai thác gia tăng sản lượng. Dữ liệu từ Tập đoàn Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu khí tại Mỹ trong tuần qua tiếp tục giảm 4 xuống còn 751 giàn hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho thấy tâm lý tương đối thận trọng khi hàng loạt các dữ liệu kinh tế kém sắc tại Mỹ làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Giá dầu cũng liên tục đi ngang trong các phiên còn lại vào tuần qua.
Số cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống dưới 10 triệu vào cuối tháng Hai lần đầu tiên sau gần hai năm, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đạt mức 228.000 đơn, cao hơn 28.000 so với mức dự báo.
Tâm điểm của thị trường hướng đến số liệu việc làm ngoài ngành nông nghiệp của Mỹ giảm 90.000 xuống 236.000 trong tháng 3 so với tháng trước, theo dữ liệu từ Bảng lương phi nông từ Bộ Lao động Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua con số này thấp hơn dự báo, phản ánh những áp lực nhất định của nền kinh tế và. Tăng trưởng tiền lương theo giờ cũng chậm lại ở mức 4,2% so với mức 4,6% của tháng trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm xuống 3,5%, có thể tiếp tục khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm không gian tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group hiện đang cho thấy có tới hơn 70% ý kiến Fed tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 5, tăng từ tỷ lệ gần 50% vào tuần trước. Sức ép vĩ mô tiềm ẩn đã khiến giá dầu không thể tiếp tục bứt phá sau khi tăng vọt vào đầu tuần.
Giá dầu có thể phá vỡ xu hướng đi ngang trong tuần này
Theo MXV, xu hướng đi ngang của giá dầu sau khi vượt mốc 80 USD/thùng có thể sẽ được phá vỡ trong tuần này, khi mà thị trường chờ đón hàng loạt các tác động cả về phía cung cầu và tình hình vĩ mô. Sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) bất ngờ cắt giảm tự nguyện thêm sản lượng, các báo cáo thị trường dầu thô nhiều khả năng sẽ có những điều chỉnh đáng kể về dự báo nguồn cung và nhu cầu trong năm nay và năm sau.
Tuần này, Báo cáo thị trường dầu của OPEC+, Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Báo cáo Dầu thô thế giới của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong tháng 3 sẽ được công bố. Do đó, giá dầu dự kiến sẽ có những biến động mạnh. Trong trường hợp các cơ quan này đồng loạt đưa ra quan điểm lo ngại về tình trạng thâm hụt trên thị trường dầu, giá có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ hướng sự tập trung vào dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 3, yếu tố quan trọng quyết định hành động có tiếp tục thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay không. Lạm phát cao hơn dự đoán sẽ thúc đẩy kế hoạch tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế làm suy yếu nhu cầu cũng có thể cản trở đà tăng của giá dầu.
Giá một số hàng hoá khác