Theo thống kê Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, nhập khẩu xăng dầu đạt 602 nghìn m3, trị giá 556 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 10% về giá trị so với tháng 9.
Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu 7,1 triệu m3 xăng dầu các loại, tương đương kim ngạch 7,3 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá dầu thô, giá WTI tăng 0,75% lên 86,47 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1,1% lên 93,67 USD/thùng.
Việc Nga dự kiến sản lượng sẽ sụt giảm từ 9,9 triệu thùng dầu/ngày xuống còn 9 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian tới cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga của châu Âu càng đến gần, thì khả năng thị trường rơi vào thiếu hụt càng lớn. Do đó, giá dầu mặc dù điều chỉnh trong các phiên đầu tuần, vẫn có khả năng sẽ phục hồi trở lại.
Ở thị trường trong nước, giá xăng E5 RON 92 tăng 838 đồng/lít, lên 22.711 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.111 đồng/lít, lên 23.867 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa tăng lên 24.747 đồng/lít; dầu diesel giảm 87 đồng/lít xuống 24.983 đồng/lít; dầu mazut tăng 678 đồng/kg lên 14.760 đồng/kg.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, dữ liệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ là nguyên nhân chính kéo giá đồng COMEX và đồng LME đều tăng vọt, lần lượt ghi nhận đà tăng 1,57% và 2,06%. Trong đó, đồng COMEX đóng cửa tại mức giá cao nhất trong vòng hơn 4 tháng qua. Trái ngược với xu hướng tăng trong phiên, giá quặng sắt suy yếu với mức giảm 2,19% xuống 86,51 USD/tấn trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục tăng cao và ngày càng nhiều khu vực bị phong tỏa làm dấy lên lo ngại về nhu cầu sắt thép trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng.
Cường quốc sản xuất phía nam Quảng Châu, nơi sở hữu nhiều nhà máy sản xuất ô tô lớn đang là tâm điểm của đợt dịch lần này. Trong khi đó, doanh số bán ô tô của Trung Quốc ghi nhận mức tăng chậm nhất trong 5 tháng vào tháng 10, chỉ tăng 6,9% so với mức tăng đáng kể 25,7% trong tháng 9 cũng đã gây sức ép tới sắt thép, vốn chiếm khoảng 6% nhu cầu cho sản xuất ô tô tại quốc gia này.