Dầu thô ghi nhận mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 3 năm nay
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), với toàn bộ các phiên giao dịch trong tuần đều kết thúc trong sắc đỏ, dầu thô ghi nhận mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 năm nay. Giá dầu WTI giảm 11,20% xuống còn 71,02 USD/thùng, dầu Brent giảm 11,05% xuống 76,10 USD/thùng. Lo ngại về bức tranh tiêu thụ suy yếu đã kéo dầu thô trở về vùng giá thấp nhất kể từ cuối năm ngoái.
Rủi ro vĩ mô đến từ ngay các phiên đầu tuần, khi mà dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy ngành dịch vụ mở rộng trong tháng 11 khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa mức đỉnh lãi suất lên cao và duy trì trong thời gian dài nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. Đồng Dollar Mỹ phục hồi trong tuần này cũng đã gây sức ép tới giá dầu do chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn.
Sức ép vĩ mô đè nặng lên triển vọng tiêu thụ dầu trên thế giới, được thể hiện rõ hơn qua Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 12 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cơ quan này đã tiến hành điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu so với báo cáo tháng 11 trong quý IV và trong cả 4 quý năm sau, đưa mức tiêu thụ trung bình trong năm 2023 đạt khoảng 100,82 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm sau, đưa mức sản lượng trung bình đạt khoảng 101,06 triệu thùng/ngày. Điều đó tiếp tục kéo giá dầu lao dốc trong các phiên giữa tuần.
Nguồn cung dầu trung bình tại Mỹ trong năm sau được dự báo sẽ vượt mức kỷ lục năm 2019, làm giảm bớt một số những lo ngại về khả năng tăng sản lượng từ các mỏ dầu đá phiến. Theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 2 xuống còn 780 giàn hoạt động trong tuần kết thúc ngày 9/12 sau nhiều tuần tăng trước đó. Số lượng giàn khoan dầu cũng đã tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến đã mở rộng hoạt động với tốc độ thận trọng.
Một yếu tố khác đáng chú ý tác động tới giá dầu trong tuần qua là sự cố tràn dầu tại đường ống vận chuyển Keystone, liên kết các mỏ dầu ở Canada với các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Vào hôm qua, TC Energy cho biết công ty đang tiếp tục nỗ lực phục hồi tại đường ống, nhưng mốc thời gian khởi động lại đường ống vẫn chưa được xác định, có thể sẽ khiến giá dầu nhận được động lực tăng nhẹ trong phiên đầu tuần. Mặc dù vậy, đà phục hồi nhiều khả năng sẽ không quá mạnh khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi loạt báo cáo tháng quan trọng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) trong tuần này.
Dầu đậu tương xuống mức thấp nhất 3 tháng
Trên thị trường nông sản, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đậu tương đã tăng hơn 3%, ghi nhận tuần thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Trong bối cảnh những thông tin trong báo cáo Cung – cầu (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)không có nhiều tác động, triển vọng về nhu cầu được cải thiện là nguyên nhân lý giải cho đà tăng của giá.
Trong báo cáo lần này, tồn kho đậu tương niên vụ 2022/23 của Mỹ vẫn được duy trì ở mức 220 triệu giạ, khác với kỳ vọng tăng lên 18 triệu giạ của thị trường. Không chỉ có tồn kho, tất cả các số liệu khác như xuất khẩu, sản lượng và tiêu thụ cũng không có biến động. Đối với mùa vụ tại Nam Mỹ, số liệu sản lượng niên vụ 2022/23 của Argentina và Brazil cũng không có thay đổi, cho thấy USDA vẫn đang khá thận trọng trong việc chỉnh sửa các số liệu và sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến diễn biến giá. Điều này đã khiến giá không có quá nhiều biến động sau khi báo cáo được tung ra.
Trong khi đó, theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 11 đạt mức 7,35 triệu tấn, cải thiện rất nhiều so với mức 4,14 triệu tấn trong tháng 10. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ và mua hàng trong thời gian tới. Trong 2 báo cáo Daily Export Sales vào tuần trước, Mỹ đã bán hơn 1,2 triệu tấn đậu tương niên vụ 2022/23 cho Trung Quốc và một số nước giấu tên. Đây là yếu tố đã hỗ trợ giá.
Trong khi đó, dầu đậu tương đã tiếp tục giảm gần 8%, xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua vào tuần trước. Trong báo cáo WASDE tháng 12, dựa trên đánh giá về đề xuất gần đây của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA đối với nghĩa vụ nhiên liệu tái tạo, USDA cho biết khối lượng dầu đậu tương được sử dụng làm nhiên liệu sinh học dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn còn 11,6 tỷ pounds. Ngoài ra, lượng bán hàng thấp kỷ lục cho đến tháng 11 cũng khiến số liệu xuất khẩu bị cắt giảm. Điều này đây là yếu tố khiến cho giá dầu đậu suy yếu.
Áp lực giảm bớt đối với giá hàng hoá thế giới
Tuần này sẽ là tuần mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý và thận trọng với 2 sự kiện quan trọng trong tháng. Tối ngày mai, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC sẽ phát hành Báo cáo thị trường tháng. Sau đó, rạng sáng thứ 5 Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed cũng sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 12. Thị trường hàng hoá, đặc biệt là nhóm năng lượng nhiều khả năng sẽ biến động rất mạnh quanh thời điểm phát hành các số liệu trên.
Theo MXV, mặc dù triển vọng kinh tế kém sắc và lạm phát đang liên tục gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ, tuy nhiên, diễn biến giá dầu thô trong thời gian tới vẫn sẽ còn mang nhiều ẩn số. Nhất là trong bối cảnh, Nga tiếp tục khẳng định không bán dầu cho quốc gia tham gia giới hạn giá, và tuyên bố về khả năng cắt giảm sản lượng nếu cần thiết. Đây sẽ là yếu tố giúp kiềm chế đà giảm của giá. Bên cạnh đó, vùng giá 70 USD/thùng sẽ là một vùng hỗ trợ quan trọng. Mỹ cũng tiến hành xem xét kế hoạch bổ sung vào kho dự trữ chiến lược vốn đang ở mức thấp khi giá dầu ở vùng này.
Trong khi đó, nếu lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt đáng kể và các quan chức Fed ủng hộ việc tăng lãi suất chậm lại, với mức đỉnh không cao hơn 5%, giá dầu sẽ có động lực phục hồi trở lại.