Giá dầu thô nối dài đà giảm
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ tiếp tục duy trì ở thị trường dầu thô trước một loạt các sức ép tới từ các yếu tố vĩ mô. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm nhẹ 0,13% về 78,49 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,29% về 85,10 USD/thùng.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 được công bố hôm qua tiếp tục tăng so với mức dự báo, cao hơn 5,4% so với tháng 12 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PPI lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) tăng 0,5% theo tháng và 5,4% theo năm.
Chỉ số PPI cao hơn cho thấy áp lực lạm phát mà các doanh nghiệp phải đối mặt, và cũng phản ánh nguy cơ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng trong thời gian tới khi các nhà sản xuất san sẻ bớt áp lực chi phí cho người tiêu dùng.
Với các chỉ số lạm phát CPI và PPI của tháng 1 dù tiếp tục hạ nhiệt nhưng vẫn tăng mạnh hơn so với dự báo đang củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn. Nhiều quan chức Fed cũng đã phát ra tín hiệu rằng họ đang cân nhắc mức tăng 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp sắp tới.
Thông tin này đã làm cho đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index vượt mốc 104 điểm, lên mức cao nhất trong vòng hai tuần. Đây là áp lực lớn nhất đối với giá dầu trong phiên hôm qua khi các nhà đầu tư nâng cao tỷ trọng tiền mặt và giảm bớt dòng vốn vào các thị trường tài chính.
Các thông tin về cung – cầu không hỗ trợ nhiều đối với giá trong phiên hôm qua, bởi các nhà đầu tư đang lưỡng lự giữa triển vọng tiêu thụ năng lượng cao hơn ở Trung Quốc và các dấu hiệu của thị trường dư cung ở Mỹ. Thị trường dầu giao dịch ảm đạm với biến độ trung bình trong 30 ngày giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm sau khi báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng mạnh, làm lu mờ sự phục hồi của ngành hàng không, du lịch Trung Quốc.
Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn cũng giảm bớt khi mà chính phủ các nước vừa đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, nhưng vẫn duy trì trợ cấp cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng các khoản chi tiêu của chính phủ để gia tăng sản lượng dầu, khí đốt tự nhiên, điện và than đá đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022 vừa qua.
Đối với nguồn cung ngoài Mỹ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục duy trì chính sách sản lượng hiện tại tới cuối năm nay. Sản lượng của Nga cũng có nguy cơ sẽ sụt giảm nhiều hơn khi mà các lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu đã gây ra rất nhiều sức ép. Những tin tức này góp phần hạn chế sức bán nhưng không đủ để lấy lại sắc xanh giúp cho thị trường dầu.
Giá cà phê tăng trở lại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi 2 hàng cà phê đều khởi sắc sau phiên giảm mạnh trước đó.
Sau phiên giảm sâu hôm trước, giá Arabica đã hồi trở lại với mức tăng 1,84% vào phiên hôm qua. Tồn kho cà phê nhân tại Mỹ chạm mức thấp nhất trong vòng 6 tháng với 6,26 triệu bao do nguồn cung thu hẹp khi Brazil bị hạn chế từ xuất khẩu là nguyên nhân chính giúp giá Arabica khởi sắc trở lại. Bên cạnh đấy, sự suy yếu của Dollar Index kéo theo sự điều chỉnh nhẹ của tỷ giá USD/Brazil Real đã phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng từ phá nông dân Brazil và hỗ trợ giá.
Nhờ lực kéo từ Arabica và sự suy yếu của Dollar Index, giá Robusta ghi nhận mức tăng 1,12% trong phiên hôm qua.
Dầu cọ đã bật tăng hơn 3%, ghi nhận mức tăng lớn nhất trong gần 3 tuần qua. Theo MXV, thuế xuất khẩu cao hơn trong giai đoạn nửa cuối tháng 02 đối với dầu cọ Indonesia sẽ có lợi cho Malaysia đẩy mạnh bán hàng. Điều này có thể sẽ cải thiện sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới và hỗ trợ giá.
Trong khi đó, đường thô ghi nhận phiên giao dịch khá giằng co với mức tăng khiêm tốn 0,25%. Một mặt giá nhận được hỗ trợ từ những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại Ấn Độ khi quốc gia này phải ngưng sản xuất sớm do ảnh hưởng bởi mưa lớn. Mặt khác, triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Thái Lan với hu vọng sẽ bù đắp phần nào thiếu hụt tại Ấn Độ đã hạn chế đà tăng của mặt hàng này trong phiên hôm qua.
Ở chiều ngược lại, bông ghi nhận mức giảm hơn 1% sau dữ liệu bán hàng bông hàng tuần của Mỹ. Theo đó bán hàng ròng bông Mỹ ghi nhận mức giảm 18% so với tuần trước đó khi chỉ đạt 216.900 kiện, cùng với đó, xuất khẩu trong tuần cũng ghi nhận mức giảm 11%, điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ co sự suy yếu, từ đó gây áp lực khiến giá giảm.
Giá đồng bật tăng mạnh hơn 3%
Đóng cửa ngày 16/2, sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường kim loại bất chấp đà tăng của đồng USD sau dữ liệu lạm phát tiêu cực của Mỹ phản ánh qua chỉ số giá sản xuất PPI trong tháng 1 cao hơn kỳ vọng, làm dấy lên lo ngại mức đỉnh lãi suất có thể tăng cao hơn.
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc phục hồi với mức tăng 0,62% lên 21,71 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng mạnh hơn ở mức 1,44% lên 931 USD/ounce.
Tối qua, bộ Lao động Mỹ đã công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) cho nhu cầu cuối cùng trong tháng 1 tăng 0,7% so với kỳ vọng của các nhà kinh tế là 0,4%. Trong 12 tháng tính đến tháng 1, PPI đã tăng 6,0% so với kỳ vọng tăng 5,4%. Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm 1,000 vào tuần trước. Các dữ liệu này nhấn mạnh quan điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần tiếp tục thắt chặt chính sách để chống lạm phát, đẩy đồng Dollar Mỹ tiếp tục tăng, nhưng giá bạc và bạch kim không gặp sức ép đáng kể nào. Một phần, dữ liệu PPI gia tăng cũng cho thấy hoạt động công nghiệp tích cực hơn và củng cố cho đà tăng của hai mặt hàng này. Ngoài ra, dòng tiền rút khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán, và có xu hướng phân bổ vào nhóm kim loại quý với vai trò trú ẩn được phát huy, bên cạnh đồng USD có tính thanh khoản cao.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng kết phiên với mức tăng vọt 3,12 % lên 4,13 USD/pound. Bên cạnh dữ liệu PPI của Mỹ cho thấy nhu cầu nguyên vật liệu vẫn đang mạnh mẽ, một vài những rủi ro về nguồn cung và kỳ vọng tích cực trong nhu cầu tại Trung Quốc khi giá đồng đang ở mức rẻ tương đối kể từ giữa tháng 1 đến nay đã thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Theo Reuter, các mỏ đồng hàng đầu của Peru đang bắt đầu chứng kiến hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các cuộc biểu tình và phong tỏa kể từ khi Tổng thống Pedro Castillo bị lật đổ vào ngày 7/12. Dữ liệu sử dụng điện hàng ngày cho thấy rằng ít nhất hai mỏ chính hiện nay thường chỉ sử dụng một nửa lượng điện bình thường cho hoạt động khai thác cạn kiệt, biểu thị cho những gián đoạn trong hoạt động và từ đó, hỗ trợ cho giá.
Trong khi đó, bức tranh nhu cầu được đánh giá tích cực trên thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, đặc biệt là tín hiệu trên thị trường bất động sản. Giá nhà của Trung Quốc ổn định trong tháng 1 so với tháng trước, sau khi giảm 0,25% trong tháng 12/2022, kết thúc chuỗi giảm 16 tháng liên tiếp, là tín hiệu khởi sắc hơn với thị trường nhà ở và xây dựng, chiếm khoảng hơn 20% nhu cầu về đồng tại Trung Quốc. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá sắt tăng 1% lên 124,5 USD/tấn trong phiên hôm qua.
Giá đồng, sắt thép có thể sớm bước vào xu hướng tăng
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam nhận định: “Thị trường kim loại trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ có sự phân hoá giữa hai nhóm chính là kim loại quý và kim loại cơ bản. Sau các dữ liệu lạm phát Mỹ tương đối tiêu cực có thể thúc đẩy thêm hành động thắt chặt tiền tệ của Fed, giá bạc và bạch kim sẽ còn đối diện với sức ép. Ngược lại, các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng và quặng sắt, giá được dự đoán sẽ đi ngang trong ngắn hạn, ít nhất là tới hết quý I, nhưng trước các kích thích mạnh mẽ và sự phục hồi kinh tế tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc, giá có thể bước vào xu hướng tăng sau thời gian tích luỹ.”
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Anh cho biết, biên độ hồi phục của kim loại cơ bản sẽ không đồng đều dựa trên nhu cầu tiêu thụ thực tế. So với đồng, các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ quặng sắt sẽ hồi phục sớm hơn, với tốc độ nhanh hơn do đó sức mua có thể sẽ áp đảo hơn.
Trong khi đó, dự báo giá đồng sẽ vẫn dao động trong biên độ hẹp khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn chưa có cải thiện rõ rệt. Cùng với việc tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải liên tục tích lũy, cho thấy rõ mức tiêu thụ đồng tại Trung Quốc không tăng trưởng mạnh như dự báo và hiện các nhà đầu tư đang đánh giá lại triển vọng tiêu thụ của quốc gia tiêu dùng hàng đầu này.
Giá một số hàng hóa khác