Báo Công Thương cập nhật trực tiếp giá cả hàng hóa theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch hôm qua, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá đã kéo chỉ số MXV- Index giảm nhẹ 0,22% xuống 2.421 điểm, nối dài đà giảm sang ngày thứ 4 liên tiếp.
Đi ngược lại xu hướng chung của thị trường, điểm sáng trong ngày hôm qua là đà tăng của 2 mặt hàng dầu thô. Theo sau đà tăng của dầu thô, các mặt hàng dầu thực vật cũng đón nhận lực mua rất tích cực khi lo ngại nguồn cũng thắt chặt gia tăng. Dầu đậu tương tăng 2,76% lên mức 70,64 cents/pound. Cùng với đó, dầu cọ Malaysia cũng tăng 2,58% lên 4.118 MYR/tấn.
Giá dầu thô bật tăng trở lại
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi các nhà đầu tư cho rằng thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt trong tương lai bất chấp biện pháp mở kho dự trữ chiến lược của Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, giá WTI tăng 2,99% lên 84,52 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,64% lên 92,41 USD/thùng.
Trong phiên sáng, giá dầu có lúc chịu áp lực khi Tổng thống Mỹ Biden xác nhận kế hoạch giải phóng nốt 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt thị trường. Tuy vậy, giá đã nhanh chóng lấy lại đà tăng khi giới phân tích chỉ ra 15 triệu thùng này là đợt bán cuối cùng trong kế hoạch mở kho 180 triệu thùng dầu Mỹ công bố từ tháng 3, và có vẻ sẽ chưa có thêm lần mở kho nào trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, Biden không còn nhắc đến biện pháp cấm các công ty trong nước xuất khẩu dầu. Bên cạnh đó, cũng sắp đến lúc chính phủ Mỹ phải mua lại dầu để bổ sung vào trong kho. Thị trường một lần nữa chứng kiến hiện tượng “bán tin đồn, mua tin chính thức”. Trước đấy, các nhà đầu tư đã lo ngại một biện pháp “mạnh tay” hơn đến từ phía chính phủ Mỹ để kiểm soát giá dầu.
Báo cáo tối qua của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu trong phiên tối. Theo báo cáo, tồn kho dầu thô thương mại trong tuần 14/10 giảm 1,7 triệu thùng, ngược với dự báo tăng 1,4 triệu thùng của thị trường. Đáng chú ý, tiêu thụ nhiên liệu tăng mạnh 1,5 triệu thùng so với tuần trước, lên mức 20,7 triệu thùng đã khiến tồn kho các sản phẩm xăng dầu giảm theo, bất chấp xuất khẩu có phần chững lại.
Như vậy, trong ngắn hạn, có thể thấy sẽ không có quá nhiều yếu tố nào có thể khiến cho nguồn cung tăng lên. Trong khi đó, nguy cơ thiếu hụt lại rõ ràng, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của châu Âu sắp có hiệu lực, có thể khiến sản lượng dầu của Nga giảm từ 600.000-800.000 thùng/ngày. Ngoài ra, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ cũng sẽ cắt giảm sản lượng từ tháng 11, có thể khiến sản lượng dầu giảm đến 1 triệu thùng/ngày. Nếu nhu cầu không giảm quá nhiều, khả năng cao thị trường sẽ rơi trở lại vào trạng thái thiếu hụt vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Giá bông chạm mức thấp nhất 1 năm
Kết thúc phiên giao dịch 19/10, sắc đỏ tiếp tục bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý nhất là bông với phiên giảm kịch sàn gần 5%, đẩy giá bông về mức 78,29 cents/pound, mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Dollar Index quay đầu tăng gần 1% sau 2 phiên giảm liên tiếp, đồng nghĩa với việc đồng Dollar Mỹ tăng trở lại. Điều này khiến giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng năm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường. Bên cạnh đó, áp lực từ nguồn cung khi tiến độ thu hoạch bông của Mỹ vẫn rất tích cực với ghi nhận 37% trong báo cáo Tiến độ mùa vụ vào sáng thứ 3, cao hơn hẳn mức cùng kỳ năm ngoái cũng như trung bình 05 năm gần nhất và việc Ấn Độ có thể tăng sản lượng 12% trong niên vụ hiện tại lên 34,4 triệu kiện vẫn tiếp tục tác động tích cực lên giá.
Cùng với việc triển vọng tiêu thụ không mấy khả quan khi nước nhập khẩu số 1 thế giới là Trung Quốc vẫn kiên quyết với chính sách “Zero Covid” và thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, khiến các chuyên gia dự đoán nhu cầu về hàng dệt may sẽ suy yếu trong năm tới, điều này kéo theo nhu cầu đối với bông cũng sụt giảm. Chính vì vậy, giá bông trong phiên hôm qua đã khiến giảm kịch sàn, tương đương mức giảm 4,00 cents và ở mức thấp nhất kể từ 07/2021.
Theo sau mức giảm mạnh của bông là 2 mặt hàng cà phê với mức giảm lần lượt 1,44% của Arabica và 1,67% của Robusta. Như vậy, Arabica đã có phiên giảm thứ 6 liên tiếp và giá bị đẩy về mức 192,30 cents/pound, mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Đồng Real suy yếu trong cặp tỷ giá USD/Brazil Real với mức giảm 0,56%, khiến người nông dân hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động xuất khẩu, từ đó thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil. Kết hợp với triển vọng nguồn cung cà phê cho niên vụ tiếp theo tại Brazil vẫn được dự đoán tốt nhờ hỗ trợ của mưa lớn, tiếp tục tác động tích cực lên giá khiến mặt hàng này duy trì đà giảm trong phiên hôm qua.
Đường cũng là mặt hàng tiếp theo ghi nhận sự suy yếu, trong đó đường trắng có mức giảm mạnh hơn với 1,55% còn đường 11 chỉ giảm khiêm tốn 0,11%. Nguyên nhân lý giải cho đà suy yếu của đường đến từ Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới đã mở rộng sản xuất trong niên vụ hiện tại, khiến sản lượng tăng 2% và xuất khẩu có thể vào mức 9 triệu tấn, cao hơn dự đoán trước đó vào khoảng 7-8 triệu tấn, đã khiến thị trường an tâm về nguồn cung hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu có thể suy yếu do suy thoái kinh tế.
Ở chiều ngược lại, dầu cọ tiếp tục là mặt hàng ghi nhận sắc xanh hiếm hoi trong nhóm nguyên liệu công nghiệp. Lũ lụt và dự báo mưa lớn ở các vùng của Indonesia và Malaysia đã dấy lên lo ngại về việc gián đoạn thu hoạch và làm tổn hại đến nguồn cung của các nhà xuất khẩu hàng đầu. Từ đó hỗ trợ giá dầu cọ trong phiên hôm qua tăng gần 3%, lên mức cao nhất trong 07 tuần gần đây
Giá cà phênội địa liên tục giảm từ đầu tuần nhưng vẫn ở mức cao
Trên thị trường nội địa, cùng chung diễn biến giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt ghi nhận mức giảm 1.000 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua quanh mức giá 43.300 – 43.900 đồng/kg. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có mức giá thu mua cà phê cao nhất, ở mức 43.900 đồng/kg. Mức thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng, 43.300 đồng/kg. Hai tỉnh trọng điểm còn lại là Gia Lai và Đắk Nông có mức thu mua là 43.600 đồng/kg và 43.700 đồng/kg.
Như vậy, so với đầu tuần này, giá cà phê đã giảm khá mạnh 1.100 – 1.200 đồng/kg, tuy nhiên đây vẫn là mức giá tương đối cao so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giá thị trường cao trong bối cảnh thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đang là tín hiệu rất tích cực đối với bà con trồng cà phê trong nước.Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý thu hái cà phê đạt tỷ lệ chín trên 80% kết hợp với thực hiện sơ chế bảo quản đúng kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao, từ đó thúc đẩy giá thành bán lẻ và xuất khẩu.