Giá dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô hôm nay ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần qua, được hỗ trợ mức tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm theo các báo cáo tuần trên thị trường, và niềm tin về tiêu dùng đang dần phục hồi. Giá dầu WTI tăng 2,7% lên mức 78,29 USD/thùng, và dầu Brent cũng tăng 2,76% lên mức 82,2 USD/thùng.
Báo cáo sớm của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy mức tồn kho dầu thô Mỹ giảm 3,07 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/12 đã hỗ trợ một phần cho giá dầu trong phiên sáng. Thêm vào đó, yếu tố tiêu thụ tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ ổn định hơn giai đoạn trước, khi mà các công ty kêu gọi công nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ có thể tiếp tục công việc tại các nhà máy. Điều này thể hiện quan điểm trái ngược với giai đoạn kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ trước đó, và đem lại hy vọng sự “bình thường hoá” và mở cửa tại Trung Quốc sẽ cải thiện tình hình tiêu thụ dầu thô.
Trong tháng 11, Nga đã vượt Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu số 1 cho Trung Quốc với 7,81 triệu tấn, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ tháng 8. Tuy nhiên, dòng chảy dầu từ Nga vẫn đang đặt ra một số rủi ro từ phía nguồn cung. Trong tuần đầu tiên sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trên biển của EU có hiệu lực, tổng khối lượng vận chuyển từ nước này đã giảm 1,86 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 54%, xuống còn 1,6 triệu. Mức trung bình bốn tuần ít biến động hơn cũng giảm mạnh, thiết lập mức thấp mới trong năm.
Lực mua được thúc đẩy hơn trong phiên tối khi mà báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần trước giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn con số dự đoán của thị trường. Tồn kho xăng tăng hơn 2,5 triệu thùng, ít hơn mức 4,5 triệu từ báo cáo của API và đặc biệt là tồn kho nhiên liệu chưng cất cắt đứt chuỗi tăng trước đó, với mức giảm 0,2 triệu thùng, phản ánh nhu cầu có thể tăng lên trước các đợt lạnh sắp tới.
Bên cạnh đó, tổng các sản phẩm được cung cấp tăng gần 1 triệu thùng so với tuần trước đó lên mức 20,9 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 4 tuần và cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó các sản phẩm xăng tăng khá mạnh. Báo cáo cho thấy nhu cầu có phần cải thiện hơn đã hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên tối.
Ngoài ra, dữ liệu chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ của Hội đồng Hội nghị trong tháng 12 bất ngờ tích cực hơn nhiều so với mức dự báo, đạt 108,3 điểm, cao hơn mức 101,4 trong tháng trước đó và cao nhất kể từ hồi tháng 4. Niềm tin gia tăng trong bối cảnh giá dầu ở mức tương đối thấp có thể thúc đẩy tiêu thụ trong tương lai, dòng tiền cũng được phân bổ vào các thị trường rủi ro trong phiên hôm qua và giá dầu do đó cũng được hưởng lợi.
Giá ngô đóng cửa ở mức cao nhất từ đầu tháng 12
Toàn bộ các mặt hàng nông sản đồng loạt đón nhận lực mua tích cực. Giá ngô đã khởi sắc mạnh mẽ trở lại trong phiên hôm qua, chủ yếu nhờ nhận được hỗ trợ từ đà tăng của giá lúa mì. Bên cạnh đó, triển vọng xuất khẩu của Mỹ cùng lo ngại liên quan tới tình hình mùa vụ tại Argentina cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá. Giá ngô đóng cửa phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng này.
Trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Mexico cho biết, phía Mỹ đã đồng thuận với những giải pháp mới nhất của nước này cho những bất đồng giữa hai bên về lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen (GM) từ Mỹ. Cụ thể, Mexico sẽ lùi thời hạn thực hiện lệnh cấm sang 2025, thay vì 2024 như kế hoạch ban đầu. Thêm vào đó, nước này cũng đang nghiên cứu thêm những sửa đối mới cho lệnh cấm để hướng tới đạt được thỏa thuận chung với Mỹ cho vấn đề nhập khẩu ngô GM vào 01/2023. Thông tin này giúp hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ trở nên khả quan hơn và đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Bên cạnh đó, hoạt động gieo sạ ngô tại Argentina tiếp tục bị trì hoãn. Dự báo thời tiết cho thấy tình trạng hạn hán đã quay trở lại các diện tích nông nghiệp của nước này sau những cơn mưa vào đầu tháng, đe dọa đến hoạt động gieo trồng cũng như sự phát triển của ngô. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy giá ngô trong phiên hôm qua.
Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của cả nhóm với mức tăng lên tới 2,3%. Giá đã nhanh chóng khởi sắc sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh thị trường đón nhận tin tức không mấy tích cực về tình trạng lúa mì vụ đông của Mỹ. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bị trì hoãn cũng đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Theo dự báo thời tiết tại Mỹ, nhiệt độ đã giảm mạnh xuống dưới ngưỡng đóng băng trong ngày hôm qua tại Great Plains và Midwest. Điều này đe dọa sẽ làm tăng tỷ lệ cây trồng bị chết rét do lúa mì vẫn chưa đủ cứng cáp để chống lại thời tiết khắc nghiệt, dấy lên lo ngại rằng nguồn cung lúa mì Mỹ cho niên vụ tới tiếp tục bị thắt chặt, qua đó hỗ trợ giá tăng.
Còn tại Ukraine, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc từ đầu niên vụ 22/23 tới nay của Ukraine chỉ đạt 20.6 triệu tấn, thấp hơn gần 10 triệu tấn so với cùng kỳ niên vụ trước. Đây cũng là thông tin thúc đẩy lực mua đối với lúa mì.
Chi phí đầu vào vẫn là khó khăn đối với ngành chăn nuôi nước ta
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta trong tháng 11 vừa qua đạt 509 triệu USD, tăng 26,6% so với tháng 10. Luỹ kế từ đầu năm, cả nước nhập khẩu lượng thức ăn gia súc tương đương trị giá hơn 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với 11 tháng đầu năm 2021. Theo MXV, giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong quý I năm sau sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng mùa vụ tại các quốc gia cung ứng hàng đầu như Brazil và Argentina.
Còn trong những ngày cuối năm nay, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt hơi thành phẩm đầu ra vẫn biến động thất thường khiến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chỉ thận trọng trong việc tái đàn. Điều này sẽ khiến ngành chăn nuôi nước ta trước dịp Tết Nguyên Đán nhiều khả năng vẫn sẽ tương đối trầm lặng. Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá thịt lợn hơi toàn quốc không có nhiều thay đổi so với ngày hôm qua, tiếp tục dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg, vùng giá thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Giá các loại hàng hóa khác