Báo Công Thương cập nhật trực tiếp nhanh nhất thông tin thị trường hàng hóa với giá cả các loại nông sản, dầu thô giao dịch trên các Sở giao dịch hàng hóa thế giới liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).
Giá dầu sụt giảm trước thông tin về mức giới hạn giá và rủi ro nhu cầu suy yếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu quay đầu giảm mạnh trước thông tin về giới hạn giá mà nhóm các nước phương Tây đề xuất đối với dầu từ Nga. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở NYMEX giảm 3,72% xuống 77,94 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn trên sở ICE giảm 2,92% xuống 85,14 USD/thùng , ghi nhận mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng gần 2 tháng qua.
Giá dầu liên tục giằng co nửa đầu phiên giữa một bên là những lo ngại về nguồn cung và một bên là rủi ro nhu cầu sụt giảm. Nhu cầu ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, vẫn còn yếu khi nước này tiếp tục thực hiện chặt chẽ chính sách Không Covid trong bối cảnh số ca nhiễm đang tiến gần đến mức đỉnh hồi tháng 4. Bắc Kinh cũng đã yêu cầu người dân không rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, lực bán được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi xuất hiện thông tin về mức trần giá mà EU đề xuất đối với dầu Nga. Cụ thể, các quốc gia nhóm G7 cũng như khu vực châu Âu (EU) đang xem xét mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô Urals của Nga giao đến vùng Tây Bắc châu Âu đang được giao dịch quanh mức 62 - 63 USD/thùng. Mức chênh lệch không quá đáng kể, trong khi chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 20 USD/thùng, nên mức trần này được kỳ vọng vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho Nga và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Hiện tại, nhiều quốc gia khu vực EU không đồng ý với mức trần giá này, cuộc đàm phán vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, và sẽ tiếp tục được thảo luận trong ngày hôm nay. Áp lực bán gia tăng khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mặc dù cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm, nhưng tồn kho xăng bất ngờ tăng mạnh 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/11, trái với dữ liệu được đưa ra từ Viện dầu khí Mỹ (API). Xuất khẩu dầu cũng chỉ tăng nhẹ 380.000 thùng lên mức 4,2 triệu thùng so với tuần trước. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang có phần suy yếu và do đó, thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Giá dầu chỉ được hỗ trợ nhẹ sau Biên bản cuộc họp lãi suất tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý rằng sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất. Ngoài ra, dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ chỉ tăng 2 lên 784 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 23/11, cho thấy sự khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung.
Các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng giá
Trên thị trường nông sản, toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu được giao dịch trên Sở Chicago đồng loạt đóng cửa hôm qua trong sắc xanh. Sau 2 phiên suy yếu liên tiếp, giá ngô đã quay đầu hồi phục trở lại trong phiên hôm qua. Nhu cầu tiêu thụ ngô tại Mỹ cho hoạt động sản xuất ethanol duy trì ổn định là động lực tăng chính đối với giá ngô trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, đà tăng của giá bị kìm hãm đáng kể bởi áp lực cạnh tranh của ngô Brazil đối với ngô Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol của nước này trong tuần 12/11-18/11 là 1,041 triệu thùng/ngày. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp con số này duy trì trên mức 1 triệu thùng/ngày, phản ánh nhu cầu ngô để sản xuất ethanol của Mỹ vẫn đang tương đối ổn định và đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo Brazil sẽ xuất khẩu khoảng 40-50 triệu tấn ngô trong năm 2023. Hơn nữa, nước này có thể xuất khẩu tới 5 triệu tấn ngô sang thị trường Trung Quốc nhờ các hiệp định thương mại được ký kết trong năm nay, qua đó giúp Brazil trở thành nhà cung cấp ngô quan trọng cho Trung Quốc. Ngô Mỹ dự kiến sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc và điều này đã gây áp lực lên giá.
Giá lúa mì cũng hồi phục trong phiên hôm qua và đã chấm dứt chuỗi 5 phiên suy yếu liên tiếp. Tuy nhiên, động lực tăng của giá chủ yếu là nhờ lực mua kỹ thuật, trong khi việc lúa mì Mỹ hiện đang kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã gây sức ép đáng kể lên giá. Vì vậy, giá lúa mì chỉ ghi nhận mức tăng tương đối nhỏ, chỉ 0,25%.
Theo một số thương nhân châu Âu, xuất khẩu lúa mì của EU đã tăng vọt trong tuần này nhờ nhu cầu từ Trung Quốc có sự đột biến trong giai đoạn cuối năm. Cụ thể, các thương nhân trích dẫn dữ liệu từ các thỏa thuận cho thấy Trung Quốc đã mua tới 400.000-500.000 tấn lúa mì của Pháp trong tuần vừa rồi. Đáng chú ý, một số nhà máy xay xát tại Mỹ cũng đang chuyển hướng sang thị trường châu Âu, với một lô hàng 100,000 tấn lúa mì có nguồn gốc từ Đức hoặc Ba Lan đã được ký kết. Giá lúa mì tại Mỹ đang ở mức cao do sản lượng năm nay bị cắt giảm đã hạn chế nhu cầu mua hàng của các nhà máy. Đây là yếu tố gây sức ép lên giá lúa mì trong phiên hôm qua.
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng đẩy giá thành phẩm chăn nuôi tăng cao
Sáng nay, tại Cảng Cái Lân, giá nông sản chào bán nội địa tăng nhẹ so với ngày đầu tuần. Giá khô đậu tương kỳ hạn giao tháng cuối cùng trong năm nay ở mức 14.400 đồng/kg; và rẻ hơn, trong khoảng 13.100 – 14.000 đồng/kg cho các tháng giao quý 1 năm sau. Giá ngô cũng neo ở mức cao từ 9.050 – 9.350 đồng/kg tính đến kỳ hạn giao tháng 3 năm sau.
Cũng ghi nhận trong sáng nay, giá thịt lợn hơi trên toàn quốc tăng tương đối mạnh từ 1.000 đồng/kg; có những khu vực tỉnh thành miền Bắc ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên đến 3.000 đồng/kg. Như vậy, giá thịt lợn hơi nội địa trên toàn quốc dao động ở mức giá khá cao, trong khoảng từ 51.000 – 56.000 đồng/kg; cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này trong năm ngoái. Giá thành phẩm đầu ra tăng do tình hình lạm phát nói chung và giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi trong năm nay vẫn neo ở mức giá cao.