Giá dầu thô tiếp tục lao dốc vào phiên cuối tuần
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch ngày 13/03 – 19/03, giá dầu WTI đánh mất 12,83% xuống 66,93 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 11/2021, và đây cũng là mức giảm trong tuần mạnh nhất trong vòng gần 1 năm qua. Giá dầu Brent cũng giảm 11,85% xuống còn 72,97 USD/thùng.
Đến ngày 21/3, sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng do thị trường lo ngại về cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng có thể lan rộng trở thành suy thoái kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ với dầu. Kết thúc phiên 20/02, giá dầu thô WTI tăng 1,33% lên 67,82 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,12% lên 73,79 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục phiên phục hồi thứ 2 vào ngày 22/3 khi việc giải cứu Credit Suisse làm dịu bớt lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Trong khi đó, gián đoạn trong việc sản xuất dầu tại nhà máy Pháp vẫn đang tiếp diễn do đình công, cũng đã thúc đẩy đà tăng của giá. Theo đó, giá dầu WTI tăng 2,73% lên sát ngưỡng 70 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,07% lên 75,32 USD/thùng.
Bước sang ngày 23/3, giá dầu đã có phiên phục hồi phiên thứ ba liên tiếp nhờ sự hỗ trợ kép từ cả yếu tố cơ bản về cung cầu và sự suy yếu của đồng USD. Kết thúc phiên 22/03, giá dầu thô WTI tăng 1,77% lên 70,90 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,80% lên 76,38 USD/thùng.
Ngày 24/3, giá dầu thô đã ghi nhận một phiên với diễn biến khó lường, khi tăng trong hơn nửa đầu phiên, nhưng sau đó đảo chiều giảm trở lại và kết thúc trong sắc đỏ. Kết phiên ngày 23/03, giá dầu WTI giảm 1,33% xuống 69,96 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,15% xuống 75,5 USD/thùng.
Áp lực vĩ mô vẫn tạo ra sức ép nhất định cho giá dầu, khi mà Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) trong ngày hôm qua đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 1,5% bất chấp những rủi ro từ Ngân hàng Credit Suisse đã làm chao đảo thị trường tài chính trước đó. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản sau khi chứng kiến lạm phát tăng vọt trong tháng 2. Điều này làm gia tăng áp lực đối với nền kinh tế và cũng góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu, do lo ngại tăng trưởng chậm làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ.
Giá cà phê quay đầu giảm
Giá cà phê Arabica rung lắc mạnh ngay phiên đầu tuần, trước khi đóng cửa với tăng 1,08% so với mốc tham chiếu. Ngay khi mở cửa, giá bất ngờ giảm mạnh do trước tín hiệu nguồn cung dần hồi phục với số liệu xuất khẩu tăng 30% trong 17 ngày đầu tháng 03 tại Brazil so với cùng kỳ tháng trước. Sau đó, khi Brazil bắt đầu phiên giao dịch vào lúc 19h, giá đã nhanh chóng hồi trở lại nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của tỷ giá USD/Brazil Real với mức giảm 0,78%, làm hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân nước này.
Robusta cũng ghi nhận một phiên giao dịch đầy biến động. Mở cửa với mức giá giảm cách biệt so với phiên cuối tuần trước đến 14 USD nhưng sau đó dần hồi phục ấn tượng và ghi nhận mức tăng 1,11% khi kết phiên. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 03 đạt 91.000 tấn, tăng nhẹ so với 90.315 tấn của tháng trước và 81.451 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/03, cà phê đảo chiều giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, dù cho Dollar Index vẫn nối dài chuỗi giảm.
Cà phê Arabica đã có sự điều chỉnh giảm trong phiên hôm qua, đóng cửa giá giảm 1,28% so với mức tham chiếu. Đồng Real suy yếu trước khi Ngân hàng Trung ương Brazil giữ nguyên mức lãi suất hiện tại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng thêm 25 điểm cơ bản, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng, thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân nước này do chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York vẫn tiếp tục suy yếu nhẹ khi giảm thêm gần 400 bao, đưa tồn kho sau khi giảm 3 phiên liên tiếp về mức 775.488 bao, là yếu tố tiềm ẩn khả năng hạn chế mức giảm của giá.
Dưới sức ép từ Arabica, Robusta cũng ghi nhận mức giảm gần 1%. Nguồn cung tiếp tục được nới lỏng với số liệu xuất khẩu tăng 6% trong tháng 2 tại Uganda, nước sản xuất mặt hàng này lớn. Cùng với đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE London đã bật tăng trở lại 96.970 tấn, đánh bay sự suy yếu nhẹ trước đó và đưa lượng dự trữ lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng, cũng góp phần gây sức ép lên giá trong phiên hôm qua.
Giá kim loại quý củng cố vai trò trú ẩn
Vào đầu tuần, thị trường kim loại kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động với sự phân hoá giữa các mặt hàng. Nhóm kim loại quý chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ với giá bạc tăng 9,54% lên 22,46 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 7 tuần. Giá bạch kim có mức tăng khiêm tốn, 1,70% lên 978,6 USD/ounce.
Dòng tiền hướng về thị trường kim loại quý một cách mạnh mẽ trong bối cảnh các nhà đầu tư mất niềm tin về hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính sau sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Sự kiện này khiến cho các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và tìm đến thị trường kim loại quý như một loại tài sản trú ẩn an toàn. Giá của bạc và bạch kim cũng không chịu sức ép từ đồng USD trong tuần vừa qua, bởi cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất và có thể cắt giảm 100 điểm cơ bản sau đó. Chỉ số Dollar Index giảm về 103,71 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/03, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm đều kết thúc trong sắc xanh. Tâm điểm của thị trường hướng về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua, sau những rủi ro hệ thống ngân hàng gây ra biến động mạnh trên thị trường trước đó. Kim loại quý đang phát huy vai trò trú ẩn, khi bạc và bạch kim ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,61% lên 22,78 USD/ounce và 1,05% lên 987 USD/ounce.
Đến ngày 24/3, nhóm kim loại quý tiếp tục tăng với Bạch kim tăng 0.6% lên 991 USD/ounces; bạc tăng 2.07% lên 23.144 USD/ounces. Các nhóm khác như đồng, kẽm, thiếc, chì cũng có mức tăng từ 0.25% đến 4.07%.
Giá nông sản giảm
Trên thị trường nông sản, phiên cuối tuần, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên bảng giá các mặt hàng họ đậu trong phiên hôm qua. Đà giảm mạnh của giá đậu tương tiếp tục mở rộng trong phiên thứ 3 liên tiếp và hiện mặt hàng này đã suy yếu về mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Những thông tin tích cực về nguồn cung ở Nam Mỹ chính là yếu tố thúc đẩy lực bán trong giai đoạn vừa qua.
Theo dự báo thời tiết, mưa lớn đang được ghi nhận và độ ẩm tích cực đã đến với các khu vực sản xuất nông nghiệp chính ở Argentina như dự báo trước đó. Mặc dù sẽ không nhận được cải thiện đáng kể nhưng sẽ phần nào xoa dịu lo ngại của thị trường về khả năng mùa vụ tiếp tục bị thiệt hại. Bên cạnh đó, đậu tương trồng muộn ở nước này cũng sẽ trở nên khả quan hơn. Trong khi đó, tại Brazil, nông dân cũng đang đẩy mạnh hoạt động thu hoạch và xuất khẩu trong giai đoạn này. Những thông tin trên về nguồn cung ở 2 nước sản xuất lớn đã khiến thị trường đậu tương bước vào xu hướng giảm giá mạnh.
Ngoài ra, hãng tin APK-Inform cho biết, kể từ tháng 09/2022 tới tháng 02/2023, Ukraine đã xuất khẩu tới 1,9 triệu tấn đậu tương, mức cao nhất được ghi nhận trong vòng 3 năm qua. Trong đó, khoảng 51% khối lượng đậu tương trên, tương đương 981,000 tấn, được nhập khẩu bởi các nước EU. Đây là khối lượng đậu tương kỷ lục mà EU nhập khẩu từ Ukraine trong giai đoạn này. Điều này cũng phản ánh tình hình tích cực hơn về nguồn cung toàn cầu khi xuất khẩu từ Ukraine đang dần trở nên ổn định và cạnh tranh hơn. Trong khi đó, nhu cầu đối với đậu tương từ Mỹ lại có dấu hiệu suy yếu khi khối lượng bán hàng trong tuần vừa rồi chỉ đạt 152.479 tấn, nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Thông tin này đã khiến lực bán được đẩy mạnh trong phiên tối.
Giá 2 mặt hàng thành phẩm của đậu tương cũng đóng cửa với các mức giảm rất mạnh. Triển vọng nguồn cung cải thiện tại quốc gia ép dầu lớn là Argentina đóng vai trò là yếu tố chính khiến cho giá khô đậu vẫn duy trì đà giảm liên tục trong hơn 2 tuần vừa qua. Đối với dầu đậu, tình hình sản xuất dầu cọ ổn định ở Malaysia và Indonesia đã củng cố nguồn cung dầu thực vật toàn cầu và gây sức ép mạnh tới giá mặt hàng này.