Giá dầu mất đà phục hồi
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch ngày 19/06 – 25/06, giá dầu gặp áp lực trở lại trước các dữ liệu kinh tế kém sắc của một số quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới. Rủi ro suy thoái kinh tế tiềm ẩn tiếp tục là thách thức cho đà phục hồi của giá dầu.
Giá dầu WTI giảm 3,85% trong tuần qua, đánh mất mốc 70 USD/thùng. Giá dầu Brent đóng cửa tuần ở mức giá 73,85 USD/thùng, thấp hơn 3,6% giá trị so với cuối tuần trước đó.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã bất ngờ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sau khi công bố dữ liệu lạm phát trong tháng 5 cao hơn ước tính. Mức tăng này đã gây ra bất ngờ lớn cho thị trường, khi trước đó, phần lớn dự đoán cho rằng BOE sẽ chỉ bổ sung 25 điểm cơ bản.
Các Ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất lần lượt 0,5 và 0,25 điểm phần trăm, thể hiện quyết tâm bình ổn giá cả. Động thái mạnh tay này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái, có thể làm suy giảm tiêu thụ dầu thô, và gây áp lực tới giá dầu.
Theo số liệu sơ bộ của S&P Global, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất sơ bộ của khu vực châu Âu (EU) chỉ đạt 43,6 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, thời điểm mà đại dịch COVID-19 đang bùng phát nặng nề. Điều này phản ánh sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy tại EU, bằng chứng cho thấy chi phí vay tăng cao đang gây áp lực tới nền kinh tế khu vực.
Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ số PMI sản xuất sơ bộ cũng đã giảm xuống mức 46,3 điểm trong tháng 06 từ mức 48,4 điểm của tháng trước đó và thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế 2,2 điểm.
Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại động lực phục hồi giá dầu, vẫn đang hạn chế các kích thích kinh tế. Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm (áp dụng đối với các khoản vay đầu tư dài hạn như vay mua nhà, các khoản thế chấp) hạ xuống còn 4,2% từ mức 4,3%. Mức cắt giảm này thấp hơn 5 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường.
Thị trường cũng vắng bóng các tin tức từ Trung Quốc trong tuần qua do kỳ nghỉ Lễ hội Thuyền rồng. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bloomberg, chi tiêu du lịch của Trung Quốc trong kỳ nghỉ năm nay chỉ bằng khoảng 95% so với mức trước đại dịch, làm đậm nét hơn sự chậm lại trong hoạt động tiêu dùng.
Các ngân hàng lớn trên thế giới hiện kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ nằm trong khoảng từ 5,1% - 5,7% trong năm 2023, giảm so với mức 5,5% - 6,3% trước đó.
Tuy nhiên, vùng giá hỗ trợ 67 USD/thùng đối với dầu WTI và 72 USD/thùng đối với dầu Brent đã ngăn cản đà giảm sâu của giá dầu, giúp hai mặt hàng này lấy lại đà phục hồi nhất định trong phiên cuối tuần. Về trung hạn, rủi ro thâm hụt nguồn cung còn tiềm ẩn khi nhóm OPEC+ hạn chế sản lượng, và các hoạt động khoan dầu tại Mỹ chậm lại.
Báo cáo của Tập đoàn dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 5 xuống 682 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 23/06, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022, và là tuần giảm thứ 8 liên tiếp.
Trái ngược với dầu thô, giá khí tự nhiên tăng 3,69% lên 2,73 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Một đợt nắng nóng toàn cầu khiến nhiệt độ phá kỷ lục ở nhiều nơi, đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng cung cấp cho hệ thống làm mát và hỗ trợ giá khí.
Ngoài ra, nguồn cung thu hẹp tại Na Uy tiếp tục củng cố cho đà tăng giá. Nhà xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Hammerfest, chiếm khoảng 5% thị phần xuất khẩu của Na Uy, đã phải đóng cửa từ ngày 31/5 sau một vụ rò rỉ, trong khi công tác bảo trì đang diễn ra tại các nhà máy xử lý khí Nyhamna và Kollsnes, càng hạn chế lưu lượng khí đốt.
Giá cà phê Arabica, đường thô lao dốc
Cà phê Arabica dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường với mức giảm 8,8%, đẩy giá mặt hàng này về mức thấp nhất trong 6 tháng. Nguồn cung dần cải thiện khi hoạt động thu hoạch diễn ra tích cực đã gây sức ép khiến giá giảm trong cả 5 phiên.
Cụ thể, tiến độ thu hoạch cà phê Arabica đang cao hơn 5% so với cùng thời điểm năm ngoái khi đạt 31% diện tích. Cùng với đó Bộ Nông nghiệp Mỹ thể hiện quan điểm lạc quan về triển vọng nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 khi dự báo sản lượng tăng 4,3 triệu bao, kéo theo xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 122,2 triệu bao trong niên vụ mới. Những tín hiệu tích cực làm lu mờ lo ngại khan hiếm nguồn cung trước đó.
Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn bắt đầu có tín hiệu khởi sắc khi đảo chiều tăng vào 2 phiên cuối tuần với 10.887 bao loại 60kg thông qua phân loại, giúp chấm dứt đà giảm suốt 3 tháng qua. Đây cũng là tín hiệu tốt đối với nguồn cung ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm 2,58% trong tuần vừa qua. Mức giảm có phần nhẹ hơn so với Arabica khi những thông tin cơ bản trên thị trường này vẫn thể hiện quan điểm lo ngại sâu sắc về vấn đề khan hiếm nguồn cung.
Dù xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 6 tại Việt Nam có sự khởi sắc với 68.744 tấn, cao hơn mức 66.847 tấn của năm trước, nhưng lũy kế xuất khẩu cà phê trong 5 tháng rưỡi của Việt Nam ở mức 934.863 tấn, vẫn thấp hơn 1,37% so với mức 947.849 tấn được vận chuyển vào cùng kỳ năm 2022.
Hơn nữa, giới quan sát nhận định nông dân Indonesia và Brazil vẫn đang thận trọng trong việc bán cà phê do triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 kém tích cực hơn niên vụ trước.
MXV cho biết, bên cạnh thông tin cơ bản có sẵn trên thị trường, trong tuần này Tổng cục Thống kê Việt Nam sẽ công bố ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 6, phần nào phản ánh tình hình nguồn cung ở hiện tại của quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Với mức giảm 8,51%, đường thô là mặt hàng có mức giảm mạnh thứ 2 của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong tuần qua. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung đang có tín hiệu cải thiện, đã gây sức ép lên giá.
Nhập khẩu đường trong trong tháng 5 của Trung Quốc chỉ ở mức 40.000 tấn, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước; cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường thấp trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Trong khi đó, thời tiết khô ráo xảy ra tại khu vực trồng mía đường chính, thúc đẩy hoạt động thu hoạch diễn ra tích cực, từ đó bổ sung nguồn cung mới cho thị trường.
Thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ
Kết thúc tuần giao dịch 19/6 – 25/6, toàn bộ 10 trên 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Đồng USD mạnh lên gây sức ép tới thị trường kim loại quý. Trong khi đó, lo ngại suy thoái kinh tế khiến các mặt hàng kim loại cơ bản lao dốc.
Đối với nhóm kim loại quý, giá cả 2 mặt hàng đồng loạt giảm tuần thứ hai liên tiếp, với bạc giảm 7,34% xuống 22,35 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 10/2022. Giá bạch kim chốt tuần tại 923,7 USD/ounce sau khi giảm 6,44%, mức giảm trong tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 8/2022.
Trong tuần qua, đồng USD đang trên đà phục hồi nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong hai phiên điều trần trước Quốc hội.
Hơn nữa, rủi ro suy thoái gia tăng do loạt dữ liệu kinh tế kém sắc cũng thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất sơ bộ của Mỹ trong tháng 6 chỉ đạt 46,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 01 và thấp hơn mức 48,4 mà các nhà phân tích dự đoán. PMI dịch vụ tháng 6 của Mỹ cũng giảm xuống 54,1 điểm từ mức 54,9 điểm hồi tháng 5.
Bên cạnh đó, không chỉ Mỹ, các nước khác bao gồm Đức, Nhật Bản, Anh và khu vực châu Âu cũng báo cáo dữ liệu cho thấy sự suy giảm trong cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế trên toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất.
Do đó, lo ngại nguy cơ suy thoái thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế và chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn khiến giá bạc, bạch kim lao dốc.
MXV nhận định, trong tuần này, thị trường kim loại quý dự kiến sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ yếu tố vĩ mô, trong đó có các bài phát biểu của chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, và một số thành viên của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang. Ngoài ra, Mỹ cũng công bố chỉ số lạm phát ưa thích nhất của Fed, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5. Lạm phát tại Mỹ nếu cho thấy xu hướng hạ nhiệt, sẽ gây áp lực tới giá kim loại quý do vai trò làm hàng rào chống lạm phát bị suy yếu.
Dữ liệu sản xuất tháng 5 của Trung Quốc thông qua chỉ số quản trị mua hàng (PMI) cũng sẽ có sức ảnh hưởng tới giá bạc và bạch kim, do vai trò đầu vào cho hoạt động công nghiệp ngày càng gia tăng. Theo MXV, nếu dữ liệu PMI tích cực, thể hiện sự mở rộng hoạt động các nhà máy, đà giảm của giá bạc và bạch kim có thể được hạn chế.
Giá một số hàng hoá khác