Giá dầu thô có xu hướng tăng
Kết thúc tuần trước, giá dầu WTI giảm 0,3% xuống còn 76,32 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng nhẹ 0,18% lên mức 82,82 USD/thùng.
Giá dầu vẫn giảm khi bắt đầu tuần mới. Cụ thể, kết thúc phiên 27/02, giá dầu thô WTI giảm 0,84% về 75,68 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,92% về 82,06 USD/thùng.
Tuy nhiên, bước vào phiên 28/2, giá dầu ghi nhận đà phục hồi trở lại với dầu WTI tăng 1,81% lên 77,05 USD/thùng, và dầu Brent tăng 1,28% lên 83,09 USD/thùng. Triển vọng tích cực trong bức tranh tiêu thụ tại khu vực châu Á đã thúc đẩy lực mua trong phiên.
Đến ngày 1/3, giá dầu thô WTI tăng 0,83% lên 77,69 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,02% lên 84,30 USD/thùng. Đáng chú ý, giá của cả hai mặt hàng dầu thô đều đang ở mức cao nhất trong gần hai tuần.
Dầu thô ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong phiên kết thúc ngày 02/03, nhưng mức tăng thu hẹp lại. Một phần, giá dầu nhận được sự hỗ trợ trước bức tranh nhu cầu tích cực tại khu vực châu Á, nhưng những áp lực vĩ mô tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đã hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,6% lên mức 78,16 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,51% lên 84,74 USD/thùng.
Mở cửa phiên với diễn biến tương đối giằng co trong phiên sáng, sau đó, giá dầu vượt mốc 78 USD/thùng khi thị trường tiếp tục hấp thụ các thông tin tích cực về triển vọng nhu cầu trong tương lai. Theo Reuters, nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục trong tháng này sau khi các nhà máy lọc dầu tận dụng giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong nước.
Các công ty tư vấn theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler ước tính gần 43 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Trung Quốc vào tháng 3. Dữ liệu theo dõi tàu biển cho thấy mức cao trước đây đối với nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga là 42.48 triệu thùng vào tháng 6/2020.
Đà tăng của giá dầu chững lại ngay sau dữ liệu lạm phát tại các quốc gia khu vực châu Âu (EU) củng cố cho tiến trình thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế. Cụ thể, lạm phát ở Pháp trong tháng 2 đã tăng lên 7,2% từ 7%, vượt qua dự báo là 7%, trong khi ở Tây Ban Nha, con số tăng lên 6,1% từ 5,9% và cao hơn mức 5,5%. Điều này góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của EU trong tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 8,2% của các nhà kinh tế. Các thị trường hiện định giá 150 điểm cơ bản trong lãi suất tại EU sẽ được bổ sung trong năm ngay, đưa lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lên mức cao nhất là 4%.
Trong khi đó tại Mỹ, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tiếp tục tích cực hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa mức đỉnh lãi suất lên tới 5,5% - 5,75%. Đồng USD mạnh lên, đưa chỉ số Dollar Index tăng trên 0,7% sau dữ liệu. Tuy nhiên, nhận xét của Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic cho rằng Fed nên duy trì mức tăng lãi suất 1/4 điểm phần trăm "ổn định" trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế đã xoa dịu thị trường và hỗ trợ cho giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên tối.
Bên cạnh đó, Ngân hàng JP Morgan vào hôm qua cho biết Nga sẽ có thể duy trì sản lượng dầu của mình ở mức trước xung đột tại Biển Đen là 10,8 triệu thùng/ngày nhờ nhu cầu ổn định tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đã hỗ trợ cho giá. Tuy nhiên, ngân hàng cũng cho biết Nga sẽ gặp khó khăn trong việc đưa sản lượng quay trở lại mức cao nhất trước đại dịch là 11,3 triệu thùng/ngày.
Giá nông sản thế giới giảm giúp giải tỏa sức ép ngành chăn nuôi
Kết thúc phiên giao dịch trong tuần kết thúc vào ngày 26/02, giá ngô đã sụt giảm mạnh hơn 4%, ghi nhận tuần thứ 2 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Sau phiên đầu tuần tăng nhẹ, lực bán đã được đẩy mạnh và khiến giá suy yếu. Triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn là nguyên nhân lý giải cho diễn biến giá trong tuần trước.
Lúa mì cũng đã sụt giảm mạnh 7% trong tuần trước. Với 3 trên 4 phiên đóng cửa trong sắc đỏ, phe bán đã hoàn toàn áp đảo thị trường. Kỳ vọng nguồn cung nới lỏng hơn cũng là nguyên nhân đã khiến giá chịu áp lực bán.
Đến phiên 28/2, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt suy yếu. Giá đậu tương đã sụt giảm hơn 2% và ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa trong sắc đó. Sau giai đoạn giằng co đầu phiên, lực bán đã dần được đẩy mạnh và áp đảo thị trường. Triển vọng nguồn cung tốt hơn là nguyên nhân lý giải cho diễn biến giá trong phiên vừa rồi. Tương tự đậu tương, cả hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu cũng đều sụt giảm mạnh. Bên cạnh kỳ vọng nguồn cung nới lỏng tại Argentina, triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu hơn sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Đức là yếu tố đã gây sức ép lên giá khô đậu, khiến mặt hàng này lao dốc hơn 3% trong ngày hôm qua. Đối với dầu đậu tương, giá chỉ đã sụt giảm nhẹ do ảnh hưởng của diễn biến dầu cọ.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kể từ sau khi dịch Covid-19 diễn ra cho tới nay, giá nông sản thế giới vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và gây ra không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi. Diễn biến giảm mạnh gần đây phản ánh kỳ vọng về nguồn cung nới lỏng hơn và cũng là dấu hiệu cho thấy triển vọng mới cho các doanh nghiệp sản xuất và chăn nuôi khi mà áp lực về chi phí giảm bớt.
Cà phê diễn biến trái chiều
Cuối tuần, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều.
Arabica có phiên giao dịch khá biến động, đóng cửa giá giảm 0,74% và là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này. Sự giằng co đến từ những tác động trái chiều của số liệu xuất khẩu trong tháng 02/2023 tại các nước xuất khẩu chính.
Một mặt chịu sức ép khi xuất khẩu của Honduras bất ngờ bật tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 662.314 tấn, kết hợp với Dollar Index hồi phục, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real khởi sắc, từ đó kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân và gây sức ép khiến giá tiếp tục giảm.
Mặt khác, số liệu xuất khẩu giảm mạnh 42% trong tháng 02 tại Brazil so với cùng kỳ năm 2022 cũng vẫn đưa đến những lo ngại nhất định về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hạn chế đà giảm của Arabica trong phiên hôm qua.
Robusta cũng có phiên giao dịch giằng co, đóng cửa giá chỉ tăng nhẹ 0,14 %. Những lo ngại về vấn đê hạn chế bán hàng tại Việt Nam với số liệu xuất khẩu giảm vẫn là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian qua.
Ngành cà phê Việt nhiều dư địa phát triển
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 2/3, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục duy trì đà tăng với mức tăng nhẹ 200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua trong khoảng giá 47.900 – 48.300 đồng/kg. Đi sát diễn biến giá thế giới, giá cà phê nội địa cũng liên tục tăng mạnh trong tuần này. So với hồi đầu tuần, giá cà phê đã tăng đến 1.000 đồng/kg.
Với vị thế là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, lần đầu thiết lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu lên đến 4 tỷ USD trong năm vừa qua; thị trường cà phê Việt Nam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cà phê thế giới. Trong năm nay, ngành cà phê nước ta hứa hẹn triển vọng rất tích cực khi mà nguồn cung trong nước được đảm bảo toàn diện cả về chất lượng và sản lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kể cả là đến các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu.