Giá dầu thô giảm sâu
Thống kê của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch đầu tiên của tháng 5, sức ép bán quay trở lại thị trường dầu khi các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc thu hẹp trong tháng 4. Giá dầu WTI giảm 1,46% xuống 75,66 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,27% xuống 79,31 USD/thùng.
Sang ngày 2/5, giá dầu ghi nhận biến động rất mạnh với mức giảm hơn 5% đối với cả 2 mặt hàng dầu WTI và Brent trong phiên giao dịch ngày 2/5. Rủi ro suy thoái gia tăng tại Mỹ trước hàng loạt các vấn đề về trần nợ, niềm tin đối với hệ thống ngân hàng và dữ liệu kinh tế kém tích cực đã thúc đẩy lực bán mạnh.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 5,29% xuống 71,66 USD/thùng, dầu Brent giảm 5,03% xuống 75,32 USD/thùng. Đây đều là mức giảm trong ngày lớn nhất trong 4 tháng qua, đưa giá về vùng thấp nhất trong vòng 5 tuần.
Giằng co trong nửa đầu phiên, giá dầu chính thức phá vỡ hỗ trợ vùng 75 USD/thùng trong phiên tối và liên tục lao dốc ngay sau đó.
Ngay sau đó 1 ngày, giá dầu thô WTI đã giảm 4,27% về 68,60 USD/thùng, và giá dầu thô Brent giảm 3,97% về 72,33 USD/thùng. Đáng chú ý, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đang thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Giá dầu có dấu hiệu khởi sắc hơn vào ngày cuối tuần khi hai loại dầu thô WTI và Brent diễn biến tương đối giằng co trong phiên trước khi kết thúc phiên ngày 04/05 với mức tăng giảm trái chiều. Cụ thể, giá dầu WTI giảm nhẹ 0,06% xuống 68,56 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng nhẹ 0,24% lên 72,5 USD/thùng.
Theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm tuần thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 3,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/4. MXV nhận định, điều này có thể sẽ tạm thời hỗ trợ cho giá dầu, nhưng xu hướng giảm nhìn chung vẫn đang áp đảo.
Giá cà phê giảm
Vào đầu tuần, giá cà phê Arabica có phiên giao dịch đầy giằng co, đóng cửa giảm nhẹ 0,19% so vớ mức tham chiếu. Mặt hàng này tiếp tục chịu những tác động trái chiều từ thông tin về nguồn cung trong ngắn và trung hạn.
Trong ngắn hạn, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE giảm thêm 7.798 bao loại 60kg, về mức 672.365 bao, thấp nhất trong 5 tháng qua. Hơn nữa, vẫn chưa có thông tin nào cho thấy lượng lưu trữ chuẩn bị được bổ sung, điều này phần nào ngụ ý hoạt động xuất khẩu còn khá ảm đạm tại các quốc gia xuất khẩu lớn, từ đó hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 tại cả 2 quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Colombia đều được dự báo tích cực với sản lượng nới lỏng hơn 2 niên vụ trước, phần nào có thể bù đắp những thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó gây sức ép khiến giá giảm.
Đến ngày 4/5, giá cà phê Arabica đi ngược chiều với phần đa các mặt hàng trong nhóm khi giảm 1,37% so với mức tham chiếu. Bên cạnh sức ép từ nguồn cung, giá cà phê chịu thêm áp lực mới từ tình hình kinh tế vĩ mô ảm đạm.
Lo ngại về suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Mỹ và châu Âu, làm gia tăng kịch bản cắt giảm chi tiêu với các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê, đặc biệt là mặt hàng với giá thành cao như Arabica. Đây chính là nhân tố dẫn tới nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ suy yếu, từ đó gây sức ép khiến giá giảm.
Cùng với đó, triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/34 tại Brazil và Colombia, được đánh giá bởi giới phân tích, cũng phần nào gây sức ép khiến giá cà phê suy yếu trong phiên hôm qua.
Robusta hợp đồng tháng 07 cũng ghi nhận mức giảm 0,5% khi thị trường đặt niềm tin vào mùa vụ bội thu tại Brazil. Sản lượng dự kiến ở mức cao so với các niên vụ trước đang được các nhà quan sát nhân định về cà phê Robusta niên vụ 2023/24 tại Brazil, nhờ tiến độ thu hoạch tốt, đã gây sức ép lên giá. Tuy vậy, tồn kho gần như cạn kiệt tại các quốc gia sản xuất khác như Việt Nam và Indonesia đã phần nào hạn chế đà giảm.
Giá kim loại lên xuống trái chiều
Thị trường kim loại quý ghi nhận những diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá bạc tăng 2,13% lên 26,23 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim giảm 1,08% xuống 1.050,30 USD/ounce.
Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá bạc vẫn đến từ vai trò trú ẩn an toàn vượt trội khi dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán. Lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng thúc đẩy dòng tiền phân bổ vào nhóm kim loại quý trong bối cảnh áp lực lãi suất cao trên toàn cầu.
Tiếp nối Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiếp tăng lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản. Việc Fed phát ra tín hiệu sẽ chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất trong khi các Ngân hàng Trung ương khác vẫn phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát khiến cho triển vọng tăng giá của USD không còn nhiều. Vì thế, ngay cả khi chỉ số Dollar Index hồi phục nhẹ lên 101,4 điểm, giá vàng và bạc cũng không chịu sức ép quá lớn.
Trái lại, giá bạch kim sụt giảm, khi vai trò trú ẩn yếu hơn so với vàng và bạc. Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ bạch kim cũng bị ảnh hưởng khi lo ngại chi phí tín dụng tăng, và tăng trưởng kinh tế chậm sẽ khiến doanh số bán ô tô suy yếu. Phần lớn nhu cầu tiêu thụ bạch kim mỗi năm được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất ô tô, nên bức tranh tiêu thụ kém sắc hiện nay đã lấn át các rủi ro về nguồn cung sụt giảm tại Nam Phi, và khiến cho sức ép bán gia tăng.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng lấy lại sắc xanh trong một phiên giao dịch giằng co với mức tăng nhẹ 0,47% lên 3,86 USD/pound. Thị trường hiện vẫn đặt dấu hỏi đối với triển vọng tiêu thụ đồng. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực xây dựng tăng trưởng vẫn chưa đạt được kỳ vọng, nhưng nhu cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như sản xuất xe điện vẫn sẽ tăng trưởng trong năm nay.