Giá dầu thô biến động mạnh
Mở đầu tuần mới, giá dầu WTI đã tăng 2,37%, chạm mốc 80,26 USD/thùng, dầu Brent tăng 2,94% lên mức 85,91 USD/thùng. Lực mua xuất hiện ngay từ đầu phiên khi trước đó, thị trường tiếp tục hấp thụ các thông tin từ báo cáo của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng trong tuần trước giảm mạnh 3,1 triệu thùng, và tổng các sản phẩm được cung cấp cũng tăng lên 22,8 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 4 tuần. Nhu cầu có dấu hiệu tích cực hơn đã hỗ trợ cho giá.
Sang đến ngày 3/1, giá dầu thô WTI tăng 0,88% lên 80,26 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,67% lên mức 85,91 USD/thùng.
Năm 2022 là một giai đoạn đáng nhớ của thị trường dầu thô với điểm nhấn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, khiến tình trạng mất cân bằng cung - cầu trở thành chất xúc tác chính cho thị trường trong phần lớn thời gian của năm. Giá dầu thô WTI có mức tăng theo năm là gần 6% còn giá dầu thô Brent cao hơn so với một năm trước gần 9%.
Bước sang ngày 4/1, giá dầu thô WTI giảm 4,15% về 76,93 USD/thùng, giá dầu thô WTI giảm 4,43% về 82,10 USD/thùng.
Xu hướng giảm tiếp tục kéo sang ngày 5/1 khi giá dầu WTI giảm 5,32% xuống 72,84 USD/thùng. Dầu Brent cũng giảm mạnh 5,19% xuống 77,84 USD/thùng.
Đến cuối tuần, giá dầu phục hồi trong sắc xanh sau khi lao dốc mạnh mẽ trong 2 phiên giao dịch đầu năm 2023, với những biến động tăng giảm liên tục trong phiên trước hàng loạt các thông tin cơ bản và báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,14% lên mức 73,67 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,09% lên 78,69 USD/thùng.
Đà tăng xuất hiện ngay từ phiên mở cửa, một phần do yếu tố kỹ thuật, phần khác là do báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng cho thấy tồn kho nhiên liệu chưng cất trong tuần kết thúc ngày 30/12 giảm mạnh hơn so với dự báo. Tuy nhiên, lực mua thực sự được đẩy mạnh trong phiên chiều, trước thông tin biên giới giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sẽ dần mở cửa trở lại từ Chủ nhật, mở đường cho việc khôi phục các mối quan hệ kinh tế và xã hội đã bị gián đoạn trong 3 năm vừa qua do ảnh hưởng bởi Covid-19. Nỗ lực mở cửa thể hiện quyết tâm khôi phục kinh tế của Trung Quốc mang lại tín hiệu tích cực hơn cho nhu cầu tiêu thụ dầu trong dài hạn, đã hỗ trợ giá dầu bật tăng 1,5 USD/thùng.
Một số thông tin hỗ trợ giá ít nhiều đã xuất hiện, tuy nhiên xét về tổng thể, giá dầu vẫn gặp nhiều lực cản về triển vọng tiêu thụ. Báo cáo EIA cũng cho thấy các sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã giảm mạnh 4,6 triệu thùng trong tuần trước xuống hơn 18 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 năm và cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động lọc dầu của Mỹ cũng suy yếu trở lại trong tuần qua, với nhu cầu đầu vào giảm 2,3 triệu so với tuần trước đó. Nhiều khả năng, giá dầu vẫn sẽ còn đối diện với áp lực.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 thúc đẩy giá dầu cọ thô tăng mạnh
Kết thúc tuần giao dịch 26/12 – 31/12, sắc đỏ hoàn toàn áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Nổi bật là đà tăng mạnh gần 9% của dầu cọ thô.
Trái với xu hướng giá giảm của hầu hết các mặt hàng trong nhóm, dầu cọ trong tuần qua có sự bật tăng mạnh với 342 MYR, đưa giá về trên 4.100 MYR. Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống sự lây lan của Covid-19, giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật nói chung và dầu cọ nói riêng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, thông tin Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới sẽ hạn chế lượng dầu cọ mà các công ty có thể xuất khẩu xuống còn 6 lần khối lượng đã bán trong nước, thay vì 8 lần như hiện tại cũng góp phần khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trong tuần qua.
Giá cà phê
Ở chiều ngược lại, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự suy yếu. Tỷ giá USD/Brazil Real tăng hơn 2% đã thúc đẩy việc bán hàng của nông dân Brazil, góp phần khiến lực mua gia tăng và gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung cà phê trong niên vụ tới tại Brazil khi mưa lớn cục bộ xuất hiện tại Minas Gerais đã hạn chế đà giảm, đóng cửa giá Arabica giảm gần 3%.
Robusta ghi nhận mức giảm mạnh hơn với 4,05% trong tuần qua do lực bán giá tăng.
Đến ngày 05/01, cà phê Robusta quay đầu giảm sâu sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
Bất chấp việc nguồn cung cà phê đang đứng trước nguy cơ suy yếu do mưa ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch và sản xuất tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và hiện là nguồn cung Robusta hàng đầu do các quốc gia sản xuất chính khác chưa bước vào giai đoạn thu hoạch, giá Robusta bất ngờ quay đầu giảm mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua.
Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp với mức giảm 0,46% khi tồn kho đạt chuẩn tiếp tục ở mức cao. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US hôm qua tăng 7.388 bao loại 60kg, đưa tổng lượng tồn kho hiện tại lên mức cao nhất trong hơn 05 tháng qua. Thêm vào đó, các chuyên gia dự kiến lượng tồn kho sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới và gây sức ép lên giá khi còn khoảng 230.000 bao đang chờ được phân loại. Tuy vậy, đà tăng của mặt hàng này trong phiên hôm qua cũng phần nào bị hạn chế do sản lượng tại Colombia chạm mức thấp nhất trong 09 năm và đồng Real mạnh lên làm hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil.
Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt giảm mạnh 700 đồng/kg sau 2 ngày tăng mạnh trước đó. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua trong khoảng giá 39.000 – 39.7000 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê nội địa đang ở vùng giá tương đối thấp, thấp hơn khoảng hơn 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 12 vừa qua, cả nước đã xuất khẩu 69,9 nghìn tấn cà phê, trị giá 156,9 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm, nước ta xuất khẩu tổng cộng 1,6 triệu tấn, tương đương kim ngạch 3,78 tỷ USD.
Việt Nam hưởng lợi từ nhập khẩu sắt thép
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường sắt thép thế giới đã bước vào giai đoạn phục hồi trong khoảng 2 tháng trở lại đây, với kỳ vọng nhu cầu sẽ có sự cải thiện, đặc biệt là các khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhịp tăng của giá sắt thép đang có phần chững lại, trong bối cảnh gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đang cản trở sức tiêu thụ. Tuy nhiên, MXV nhận định, đà tăng mạnh sẽ nhiều khả năng sẽ sớm quay trở lại khi quốc gia tiêu thụ chính là Trung Quốc thoát khỏi đỉnh dịch và tập trung vào phục hồi tăng trưởng.
Do đó, trong giai đoạn này, Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ việc nhập khẩu sắt thép. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn mà nhiều dự án gấp rút hoàn thành tiến độ, thúc đẩy nhu cầu sắt thép. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 12 vừa qua, nước ta đã nhập khẩu 546,9 nghìn tấn sắt thép các loại, tương đương kim ngạch 475,9 triệu USD. Trong khi đó, tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 334,5 nghìn tấn, trị giá 222,1 triệu USD. Cận kề Tết Nguyên Đán, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng có xu hướng tích trữ hàng phục vụ cho hoạt động tại các nhà máy. Với đà phục hồi dần của thị trường sắt thép trên thế giới, các doanh nghiệp nội địa cũng cần phải nâng cao chất lượng và vị thế cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và thương mại quốc tế.