Nhóm kim loại đồng loạt tăng rất mạnh
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 31/10 – 06/11, ngoại trừ mức giảm nhẹ của chì LME, giá của các mặt hàng còn lại trong nhóm kim loại đồng loạt bật tăng mạnh mẽ và giữ vững sắc xanh. Bạch kim ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, đạt mức giá cao nhất trong vòng 3 tháng sau khi tăng 1,2% lên 960,5 USD/ounce. Đáng chú ý, bạc dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường kim loại, tăng 8,55% lên ngưỡng 20,78 USD/ounce.
Tâm điểm của thị trường trong tuần qua hướng về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó, các nhà đầu tư đã phản ứng nhiều hơn trước những phát biểu của chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Việc ông Powell cho rằng mặc dù các mức tăng lãi suất có thể nhỏ hơn trong tương lai, nhưng mức đỉnh lãi suất có thể sẽ cao hơn đã gây thất vọng cho thị trường, hỗ trợ cho đồng Dollar Mỹ và do đó, gây áp lực tới giá kim loại quý ngay sau cuộc họp giữa tuần.
Mặc dù vậy, những suy đoán trước đó rằng Fed sẽ giảm tốc tiến trình thắt chặt tiền tệ và đặc biệt là dữ liệu bảng lương phi nông cuối tuần cho thấy thị trường lao động Mỹ đang dần chịu sức ép, đã củng cố thêm cho kỳ vọng này của các nhà đầu tư và hỗ trợ mạnh cho bạc và bạch kim, thúc đẩy lực mua mạnh mẽ. Trong đó, giá bạc tăng hơn 8% còn do yếu tố nhu cầu tăng vọt ở quốc gia tiêu thụ lớn nhất, Ấn Độ. Mức tiêu thụ được dự báo sẽ tăng khoảng 80% lên mức kỷ lục trong năm nay so với năm ngoái sau 2 năm chịu sức ép từ dịch bệnh Covid-19.
Trên thị trường kim loại cơ bản, kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại sau khi xuất hiện các tin đồn trên mạng xã hội là nguyên nhân chính khiến giá các mặt hàng này tăng vọt trong tuần qua. Đồng COMEX ghi nhận mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 2 năm nay, với mức tăng 7,51% lên 3,68 USD/pound. Thậm chí một cựu quan chức thuộc Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho biết sẽ có những thay đổi đáng kể đối với chính sách Không Covid trong những tháng tới, đã kéo giá đồng tăng vọt hơn 7% trong phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, đà tăng mạnh của giá đồng cũng được hỗ trợ do một số gián đoạn về nguồn cung tại mỏ đồng lớn thứ 8 trên thế giới, Las Bambas ở Peru với sự xuất hiện trở lại của các cuộc biểu tình chặn đường.
Quặng sắt cũng bật tăng mạnh mẽ 8,26% lên mức 85,95 USD/tấn trước những tin đồn nới lỏng chính sách Không Covid. Tuy nhiên, vào hôm qua, tại một cuộc họp, các quan chức y tế Trung Quốc tuyên bố sẽ "không thay đổi" cách tiếp cận đối với chính sách này, đã gây thất vọng cho các nhà đầu tư và khiến giá đồng và quặng sắt đều gặp áp lực trở lại.
Giá dầu bật tăng mạnh hơn 5%
Giá các sản phẩm dầu tăng rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua, khi những lo ngại về Zero-Covid tại Trung Quốc giảm bớt. Dầu thô đóng cửa tuần với mức giá cao nhất trong vòng 2 tháng, với WTI tăng 5,36% lên 92,61 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 5,12% lên 98,57 USD/thùng.
Trong tuần, thị trường chứng kiến những phiên giao dịch giằng co, khi thị trường biến động giữa một bên là những lo ngại về suy thoái kinh tế và một bên là cán cân cung – cầu đang ngày càng thắt chặt. Cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed kết thúc với mức tăng 75 điểm phần trăm, và chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo mức đỉnh lãi suất sẽ cao hơn mức thị trường dự kiến khiến cho Dollar Index tăng mạnh trở lại, gây sức ép lên các sản phẩm định giá bằng đồng bạc xanh.
Tuy vậy, giá dầu được hỗ trợ trở lại khi Trung Quốc phát ra những tín hiệu cho thấy nước này sẽ có những thay đổi liên quan đến chính sách “Không Covid”. Xuất phát từ những thông tin trên mạng xã hội, đến cuối tuần, Chính phủ Trung Quốc cho biết đang nghiên cứu các biện pháp để giảm thời gian cách ly đối với khách du lịch quốc tế, cũng như mở đường cho ngành hàng không phục hồi. Dù vẫn chưa rõ thời hạn cụ thể các thay đổi được tiến hành, tuy nhiên đối với giới đầu tư, khả năng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc được phục hồi cũng đã là một tín hiệu đáng mừng, đặc biệt khi đây là một trong các nguyên nhân chính gây sức ép cho giá dầu trong nửa cuối năm. Các hãng hàng không nước này cho biết nhu cầu cho các chuyến bay cuối năm 2022 – đầu năm 2023 đã bắt đầu tăng lên.
Nhu cầu có dấu hiệu tăng lên, trong khi kỳ hạn cấm vận nhập khẩu dầu Nga của khu vực châu Âu đến gần càng khiến cho cán cân cung – cầu dễ bị nghiêng sang một bên, đẩy thị trường vào trạng thái thiếu hụt. Trong khi đó, số giàn khoan tại Mỹ trong tuần vừa rồi chỉ tăng nhẹ 2 chiếc lên 768, cho thấy khó có thể kỳ vọng một sự bổ sung dầu trên thị trường. Dù vậy, ngày hôm nay giá đã bắt đầu có tín hiệu sụt giảm, khi Trung Quốc vẫn nhấn mạnh vào quá trình phong tỏa, cách ly để kiểm soát dịch, với số ca nhiễm tăng mạnh từ 3.500 lên 4.200 ca.
Thị trường hàng hoá đón nhận các tin tức quan trọng trong tuần này
Theo MXV, trong tuần này thị trường hàng hoá thế giới sẽ đón nhận hàng loạt các thông tin rất quan trọng tác động đến xu hướng giá, đặc biệt là 2 nhóm mặt hàng năng lượng và nông sản. Vào lúc 0h thứ tư, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) sẽ phát hành báo cáo Triển vọng năng lượng cung cấp các số liệu về cung cầu từ báo cáo này có thể sẽ tác động mạnh tới giá xăng dầu trong vài ngày sau đó. Còn đối với thị trường nông sản, báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ vào 0h thứ năm, như thường lệ, sẽ tạo ra những biến động rất lớn tới giá của các mặt hàng như ngô, đậu tương, lúa mì và bông sợi.