Giá dầu phục hồi
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch hôm qua ngày 07/06 khi các nhà đầu tư cảnh giác về tác động của việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), trong khi một vài tín hiệu tích cực hơn về nhu cầu cũng đã hỗ trợ giá dầu. Cụ thể, giá dầu WTI phục hồi với mức tăng 1,1% lên 72,53 USD/thùng và dầu Brent tăng 0,87% lên 76,95 USD/thùng.
Giá dầu mở cửa phiên với sức ép bán chiếm ưu thế. Hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 tiếp tục hạn chế, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức âm sau 3 tháng tăng trưởng dương, giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng nhập khẩu tháng 5 cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu lượng lớn dầu thô trong tháng 5, thúc đẩy kỳ vọng tích cực hơn về nhu cầu và kéo giá dầu đảo chiều tăng. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 10,79 triệu thùng/ngày và cao hơn 17,5% so với tháng trước.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng nhất với thị trường dầu mỏ. Trong số hơn 2 triệu thùng tăng trưởng mỗi ngày về nhu cầu tiêu thụ dự kiến trong năm nay, IEA cho biết 60% sẽ đến từ Trung Quốc.
Tại Mỹ, Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm vào tuần trước do các nhà máy lọc dầu sản xuất nhiên liệu ở mức cao nhất kể từ năm 2019.
Tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 451.000 thùng trong tuần tính đến ngày 02/06. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của nhà máy lọc dầu tăng 482.000 thùng/ngày và công suất sử dụng của nhà máy lọc dầu tăng 2,7 điểm phần trăm trong tuần lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019. Điều này phản ánh kỳ vọng tích cực hơn của nhà sản xuất đối với nhu cầu trong mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ.
Mặc dù vậy, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về tiêu thụ trong tuần qua đạt trung bình 19,221 triệu thùng, giảm hơn 220.000 thùng so với tuần trước đó. Tồn kho dầu diesel tăng 5,1 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng tăng hơn dự kiến ở mức 2,8 triệu thùng.
Dự trữ nhiên liệu bất ngờ tăng làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ của quốc gia sử dụng dầu hàng đầu thế giới, cho thấy nhu cầu trên thực tế vẫn còn khá yếu so với kỳ vọng, khiến đà tăng của giá dầu thu hẹp lại vào cuối phiên.
Giá cà phê tăng mạnh trở lại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6,giá cà phê Robusta dẫn đầu đà khởi sắc của nhóm nguyên liệu công nghiệp với mức tăng 2,30% so với tham chiếu; đánh dấu phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này trong bối cảnh lo ngại khan hiếm nguồn cung đang bao trùm lên thị trường.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng Robusta trong niên vụ 2023/24 tại Brazil ở mức 21,7 triệu bao loại 60kg, giảm khoảng 5% so với niên vụ trước do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại vùng sản xuất chính.
Trước đó, USDA cũng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của Indonesia ở mức thấp nhất trong 12 năm và xuất khẩu của Việt Nam ở mức kém nhất trong 3 niên vụ.
Theo sau mức tăng của giá Robusta, giá Arabica cũng ghi nhận mức cao hơn 1,53% so với tham chiếu. Bất chấp những áp lực từ việc USDA dự báo sản lượng Arabica trong niên vụ 2023/24 tại Brazil tăng 12% so với niên vụ trước, giá mặt hàng này vẫn được hỗ trợ bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm thêm 2.098 bao loại 60kg, về mức 555.206 bao, thấp nhất trong hơn 6 tháng. Kết hợp cùng việc hạn chế bán hàng của nông dân Brazil ở thời điểm hiện tại, khiến nguồn cung hàng thực ở mức thấp.
Ghi nhận trong sáng nay, 8/6, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh 800 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê thu mua trong nước đã vượt mức 62.000 đồng/kg, dao động ở khoảng 62.200 – 62.700 đồng/kg. Theo MXV, trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp trong hiện tại, giá cà phê Việt Nam có thể tiếp tục tăng mạnh, thậm chí sẽ sớm phá vỡ mức kỷ lục 64.000 đồng/kg.
Giá kim loại quý quay đầu giảm, giá sắt tăng 4 phiên liên tiếp
Đóng cửa hôm qua, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa. Đối với nhóm kim loại quý, giá cả hai mặt hàng đảo chiều suy yếu sau phiên phục hồi trước đó. Giá bạch kim giảm mạnh nhất khi giảm 1,36% xuống 1.024,6 USD/ounce. Giá bạc giảm 0,60% xuống 23,52 USD/ounce.
Trong phiên hôm qua, vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim có phần thất thế khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 12 điểm cơ bản, lên mức 3,79%, là mức cao nhất trong hơn 1 tuần. Bên cạnh đó, mức kỳ hạn 2 năm cũng tăng 8 điểm cơ bản lên 4,55%.
Mức lợi suất kho bạc Mỹ bất ngờ tăng vọt trong phiên hôm qua do kỳ vọng về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau khi Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) bất ngờ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm sau 4 tháng tạm dừng thắt chặt. Điều này khiến xác suất Fed tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 tăng lên 34%, từ 21% trong ngày 6/6.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, giảm 0,33%. Mặc dù nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong tháng 5 tăng 9,03% so với tháng 4, cho thấy nhu cầu cải thiện, tuy nhiên vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái lại, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, với mức tăng 1,42% lên mức 107,88 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 5.
Sức mua quặng sắt liên tục gia tăng trong thời gian gần đây do được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ cải thiện tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu. Trong tháng 5, Trung Quốc đã nhập khẩu 96,14 triệu tấn quặng sắt, tăng 5,1% so với tháng 4 và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, kỳ vọng nhu cầu quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép cũng khởi sắc. Dữ liệu của Mysteel cho thấy lợi nhuận của các nhà máy thép được khảo sát đã tăng lên 34,2% vào cuối tháng 5, từ mức 26,41% vào cuối tháng 4. Biên lợi nhuận thép được cải thiện cũng khuyến khích các nhà máy mua thêm nguyên liệu để sản xuất.
Thép xây dựng nội địa giảm lần thứ 9 trong năm nay
Ngày 7/6, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm thêm từ 50 đồng/kg – 310 đồng/kg tuỳ từng thương hiệu và khu vực. Đối với thương hiệu thép Hòa Phát, dòng thép cuộn CB240 điều chỉnh giảm giá thêm 210 đồng, xuống mức 14.490 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.890 đồng/kg. Như vậy, giá thép xây dựng nội địa đã ghi nhận 9 lần giảm giá liên tiếp kể từ lần giảm đầu tiên trong năm vào đầu tháng 4.
Theo thường lệ, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu thép tăng lên. Tuy nhiên, năm nay, bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bài toán tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, khiến hàng tồn kho gia tăng, đã gây áp lực tới giá. Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo MXV, kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá sắt thép thế giới đang có vài tín hiệu phục hồi tích cực. Nguyên nhân là do quốc gia tiêu thụ sắt thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc cũng đang tìm kiếm thêm các gói kích thích lĩnh vực bất động sản, và được kỳ vọng sẽ sớm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) nhằm đẩy mạnh đà phục hồi.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tiến hành hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp vào cuối tháng 5 vừa qua. Điều này sẽ góp phần giảm bớt áp lực tín dụng, thúc đẩy đầu tư, góp phần hạn chế một số khó khăn về triển vọng tiêu thụ ngành thép trong giai đoạn tới.
Giá một số hàng hoá khác