Giá dầu quay đầu giảm vào cuối phiên
Thống kê của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hoá hôm nay ngày 20/7/2023 diễn biến như sau: Những lo ngại về nguồn cung thu hẹp đã tiếp tục kéo giá dầu tăng trong nửa phiên đầu ngày 19/07, nhưng giá đã bất ngờ đảo chiều trong nửa cuối phiên còn lại sau báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,49% xuống 75,49 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,21% xuống 79,46 USD/thùng.
Theo tính toán từ hãng tin Reuters, xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của Nga trong tháng 7 sẽ thấp hơn 370.000 thùng/ngày so với kế hoạch ban đầu, do nước này đã thắt chặt nguồn cung ngay trước khi tuyên bố cắt giảm xuất khẩu được công bố.
Bộ Năng lượng của Nga cũng cho biết, Nga dự kiến sẽ giảm xuất khẩu dầu 2,1 triệu tấn trong quý 3, phù hợp với kế hoạch cắt giảm xuất khẩu tự nguyện 500.000 thùng/ngày vào tháng 8.
Rủi ro nguồn cung sụt giảm tiềm ẩn, đã giúp giá dầu tăng trong nửa phiên đầu ngày. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tại vùng giá sát 77 USD/thùng đối với dầu WTI và 81 USD/thùng đối với dầu Brent, cùng với báo cáo từ EIA cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự kiến, đã kéo giá dầu đảo chiều suy yếu.
Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 0,7 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 14/07, thấp hơn dự báo giảm 2,4 triệu thùng của thị trường. Tồn kho xăng giảm khoảng 1 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) với mức giảm 2,8 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất không có nhiều thay đổi.
Dữ liệu này phản ánh nhu cầu tiêu thụ trong mùa di chuyển cao điểm của Mỹ chưa có sự bùng nổ mạnh mẽ như kỳ vọng, đã gây áp lực lên giá dầu.
Nhu cầu dầu thô đối với hoạt động lọc hóa dầu tại các nhà máy tại Mỹ cũng giảm nhẹ 74.000 thùng/ngày về mức trung bình 16,585 triệu thùng/ngày.
Thêm vào yếu tố thúc đẩy lực bán ngắn hạn, dữ liệu theo dõi từ Bloomberg cho biết xuất khẩu sản phẩm dầu của Nga hiện đang trên đà tăng cao hơn trong tháng này. Trong 15 ngày đầu tháng 7, các lô hàng nhiên liệu tinh chế của Nga đã tăng khoảng 81.000 thùng so với tổng lô hàng trong tháng 6, hiện đạt khoảng 2,49 triệu thùng. Tuy nhiên, trong dài hạn, nguồn cung thu hẹp từ Nga vẫn sẽ là yếu tố chính hỗ trợ cho giá dầu.
Về yếu tố vĩ mô, tỷ lệ lạm phát của Anh giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến, xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 06/2023 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 8,7% vào tháng trước.
Lạm phát tại khu vực châu Âu (EU) trong tháng 06/2023, thông qua CPI đã tăng 0,3% trong tháng 06/2023 so với tháng trước, sau khi không đổi trong tháng 5. Tuy nhiên, một thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Klaas Knot cho rằng việc tăng lãi suất sau cuộc họp của ECB vào tuần tới là điều "không chắc chắn."
Do đó, đồng Bảng Anh và đồng EU suy yếu sau các tín hiệu này, củng cố cho sức mạnh của đồng USD và kéo chỉ số Dollar Index tăng 0,34%. Đồng USD mạnh hơn cũng đã gây áp lực cho giá dầu khi chi phí mua hàng trở nên đắt đỏ hơn.
Giá lúa mì tăng vọt 8,5%
Đáng chú ý, giá ngô và lúa mì tiếp tục đà tăng vọt trong phiên hôm qua trước những thông tin xoay quanh căng thẳng ở Biển Đen dẫn tới hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua khu vực này bị gián đoạn. Lo ngại này cũng kéo giá lúa mì nhảy vọt tới 8,5%, mức tăng cao nhất từng được ghi nhận kể từ sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm 2022. Bên cạnh đó, giá ngô cũng đóng cửa với mức tăng gần 3,5%.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, trừ khi Liên Hợp Quốc thực hiện các cam kết của bản ghi nhớ về xuất khẩu nông sản của nước này trong vòng 3 tháng tới, Moscow sẽ không khởi động lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Theo MXV, Nga và Ukraine còn là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu của thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 20% sản lượng ngô xuất khẩu. Do đó, việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ đe dọa đến triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng rủi ro lạm phát giá lương thực, đặc biệt là tại các nước chậm phát triển. Việc 2 mặt hàng nông sản là ngô và lúa mì bật tăng mạnh như giai đoạn bắt đầu xung đột cũng cho thấy lo ngại toàn cầu khi nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen ra thế giới hoàn toàn bị đóng băng.
Thị trường kim loại suy yếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, sắc đỏ áp đảo bảng giá thị trường kim loại với 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt suy yếu. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,4%.
Trong phiên sáng, giá đồng gặp sức ép bán mạnh khi đồng USD phục hồi với chỉ số Dollar Index tăng vượt mốc hỗ trợ tâm lý 100 điểm, khiến chi phí mua đồng đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang là lực cản chính đối với thị trường đồng.
Tuy nhiên, giá đồng đã có nhịp hồi nhẹ vào phiên tối sau khi Trung Quốc báo cáo sản lượng đồng tinh luyện trong quý II tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã giúp giá đồng thu hẹp đà giảm khi kết phiên.
Trong khi đó, giá quặng sắt trên Sở Singapore giảm 1,18% xuống 112,35 USD/tấn. Trong bối cảnh tiêu thụ vẫn còn yếu kém trên toàn cầu nói chung và tại Trung Quốc nói riêng, việc nguồn cung sắt được duy trì ổn định đã làm gia tăng sức ép bán trên thị trường quặng sắt.
Vào hôm qua, hai trong ba tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Vale SA và Rio Tinto đã báo cáo sản lượng quặng sắt quý II tăng trưởng tích cực. Vale SA cho biết họ đã khai thác 78,7 triệu tấn quặng sắt trong quý II, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý I, sản lượng quặng sắt của Vale tăng gần 18%.
Tuy vậy, mặc dù sản lượng khai thác tăng nhưng doanh số bán hàng của Vale trong quý II gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 63,3 triệu tấn, cho thấy mức tiêu thụ yếu trên toàn cầu.
Về phía Rio Tinto, công ty công bố sản lượng quặng sắt đạt 81,3 triệu tấn trong Quý II/2023, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá thép xây dựng nội địa tiếp tục duy trì ổn định sau kỳ điều chỉnh gần nhất vào ngày 14/07 vừa qua. Theo đó, hiện thép CB240 đang giao động ở mức 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn; còn thép cây D10 CB300 ở khoảng 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã có 14 đợt giảm giá liên tiếp. Hiện tại, giá thép xây dựng nội địa đang thấp hơn khoảng 10% so với mức đỉnh trong năm nay ghi nhận vào hồi đầu tháng 03.
Giá một số hàng hoá khác