Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần đầu tiên của tháng 8, gần 80% giá các mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại Sở chìm trong sắc đỏ. Điều này đã khiến chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 4,22% xuống mức 2.555,67 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 2 tuần liên tiếp trước đó.
Chỉ số MXV-Index của tất cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đồng loạt suy yếu. Trong đó, nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng giảm trên thị trường với đà lao dốc hơn 8% của các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư trong tuần qua tương đối ổn định. Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận mức trung bình hơn 4.100 tỷ đồng mỗi phiên, cao hơn khoảng 8% so với tuần trước đó.
Nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng giảm chung
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm 9,74% về 89,01 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 8,7% về 94,92 USD/thùng.
Ngay từ đầu tuần trước, giá dầu đã gặp sức ép lớn từ các số liệu tiêu cực của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Hoạt động sản xuất ở các khu vực này, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đều suy yếu trong tháng 7, làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tiêu thụ ở Mỹ có xu hướng sụt giảm mạnh, khi mà tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 31/07 tăng thêm 4,5 triệu thùng. Tiêu thụ xăng tại Mỹ giảm, và thấp hơn so với mức trung bình của 4 tuần gần nhất đã làm mờ triển vọng nhu cầu tiêu thụ của thế giới và gây áp lực tới giá dầu.
Trong bối cảnh đó, nguồn cung được kỳ vọng sẽ cải thiện khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định sẽ tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Tuy nhiên, sức ép bán trên thị trường cũng đã giảm bớt vào cuối tuần, trước một vài tin tức tích cực hỗ trợ cho giá dầu. Công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco đã tăng giá bán dầu cho thị trường ở châu Á lên mức kỷ lục, cao hơn 9,80 USD/thùng so với mức tham chiếu ở Trung Đông. Bên cạnh đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu, giảm 7 xuống 598 giàn trong tuần kết thúc ngày 5/8, và là lần đầu tiên trong vòng 10 tuần số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ sụt giảm.
Các tin tức trên đều phản ánh việc thị trường hàng vật chất vẫn đang ở trong trạng thái bị thắt chặt. Tuy nhiên, lo ngại nhu cầu sụt giảm lấn át khiến cho các tin tức này chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho giá dầu lấy lại sắc xanh.
Thị trường nông sản trên Sở Chicago lao dốc
Trên thị trường nông sản, các thông tin tích cực hơn về thời tiết trong ngắn hạn ở các vùng sản xuất trọng điểm đã khiến giá trên Sở Chicago suy yếu. Các bang gieo trồng chính của Mỹ cũng đã ghi nhận lượng mưa lớn cho thấy mùa vụ đang nhận được lượng độ ẩm khá tốt và từ đó khiến giá ngô và đậu tương suy yếu trở lại sau tuần nhảy vọt trước đó.
Mặc dù cũng cùng chịu ảnh hưởng chính từ triển vọng thời tiết ở Mỹ nhưng giá ngô lại đóng cửa tuần với mức giảm nhẹ hơn do thiệt hại từ giai đoạn hạn hán trong tháng 7 đối với mặt hàng này được dự báo sẽ lớn hơn. Một số chuyên gia trong ngành đang dự báo năng suất ngô Mỹ năm nay sẽ chỉ đạt 174 giạ/mẫu, thấp hơn so với mức 177 giạ/mẫu ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Đối với lúa mì, giá ghi nhận mức giảm mạnh hơn, tới gần 4% trong tuần trước. Đà giảm của mặt hàng này cũng được thúc đẩy bởi những thông tin xoay quanh tình hình xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine khi các tàu vận chuyển vẫn đang tiếp tục chở hàng từ các cảng Biển Đen ra thế giới. Ngoài ra, tại các quốc gia sản xuất lớn khác, triển vọng nguồn cung lúa mì cũng đang khá tích cực.
Theo báo cáo của Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), chất lượng lúa mì Argentina cải thiện nhẹ lên mức lần đầu tiên sau nhiều tuần liên tiếp suy giảm. Hoạt động thu hoạch lúa mì mềm tại Pháp năm nay cũng kết thúc sớm hơn, với ước tính sản lượng cải thiện lên mức 33,87 triệu tấn so với báo cáo trước.
Xu hướng giá hàng hoá sẽ rõ ràng hơn từ khoảng giữa tuần
Trong tuần này, thị trường hàng hoá nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức biến động tương đối mạnh từ khoảng giữa tuần, trước hàng loạt các thông tin và báo cáo quan trọng.
Đối với nhóm năng lượng và kim loại, thông tin về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tối thứ Tư sẽ có tác động mạnh đến giá. Đây là dữ liệu trọng tâm giúp các nhà đầu tư đánh giá về tình hình lạm phát và triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp tháng 9 sắp tới.
Theo MXV, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ hạ nhiệt so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6, do niềm tin của người tiêu dùng liên tục suy yếu có thể sẽ ảnh hưởng tới sức mua. Giá các mặt hàng trong nhóm năng lượng và kim loại có thể sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, mức giảm của CPI được dự đoán sẽ không quá sâu. Do đó, lo ngại về việc FED mạnh tay thắt chặt tiền tệ vẫn tiềm ẩn những rủi ro cản trở đà tăng mạnh của các mặt hàng này.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cũng chờ đón 3 báo cáo quan trọng trong tuần này, bao gồm Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan quản lý Năng lượng Mỹ, Báo cáo dầu thô thế giới của Cơ quan năng lượng quốc tế và Báo cáo của OPEC+. Giá dầu có thể sẽ biến động mạnh ngay trong phiên ra báo cáo.
Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp , theo MXV, xu hướng giá có thể giằng co trước khi báo cáo quan trọng về Cung cầu nông sản thế giới (WASDE) được công bố vào cuối tuần. Nhiều khả năng, lực mua sẽ quay trở lại các mặt hàng trong hai nhóm này, khi mà báo cáo ra sau giai đoạn thời tiết khô hạn tại Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ và là yếu tố hỗ trợ cho giá.