Sau khi rớt mạnh kể từ tháng 4, nhờ dữ liệu vĩ mô Quý 2/2022 khả quan cùng với bối cảnh ngoại biên có phần tích cực hơn khi lạm phát Mỹ hạ nhiệt kỳ vọng Fed nhẹ tay hơn với đợt tăng lãi suất lần tới, chứng khoán Việt Nam đã hồi phục mạnh kể từ cuối tháng 7.
NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN ĐỔ TIỀN MUA RÒNG GẦN 7.000 TỶ ĐỒNG
Kết thúc phiên tháng 7, Vn-Index quay lại mức 1.206 điểm và tính từ thời điểm đầu tháng 8 tới nay, Vn-Index liên tiếp có những pha hồi mạnh, tổng cộng đã tăng 4,3% hiện đang loanh quanh 1.263 điểm.
Cũng trong tháng 7, diễn biến phân phối về tỷ suất lợi nhuận sinh lời cho thấy sự cải thiện đáng kể so với tháng 6 khi có 65% cổ phiếu ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Trong đó, phần lớn tập trung ở các mức sinh lời từ 0% đến 15%.
Trong số các nhóm ngành, ba trên mười nhóm ngành chứng kiến lợi nhuận tích cực trong tháng 7. Trong đó nhóm Tài chính tăng 5,28% chủ yếu gồm Ngân hàng, bảo hiểm và các công ty chứng khoán ghi nhận mức tăng trở lại tốt nhất đã giúp thị trường thoát khỏi mức đáy. Các ngành có mức tăng trưởng tốt tiếp theo là Y tế, Công nghiệp.
Đóng góp mức hồi phục mạnh trong tháng 7 vừa qua bên cạnh tâm lý tích cực của khối ngoại phải nhắc đến nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Số liệu từ FiinGroup cho thấy, trong tháng 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ tiền mua ròng đâu đó khoảng 700 tỷ đồng.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 6.702 tỷ đồng, trong đó bán ròng 2.492 tỷ qua khớp lệnh và mua ròng 9.194 tỷ qua thỏa thuận.
Việc đảo chiều mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là một tín hiệu tích cực vì dòng tiền đổ vào thị trường sẽ là cơ hội cho thị trường hồi phục trong ngắn hạn trước khi bước vào mùa trũng thông tin của tháng 9.
ĐÁY Ở QUANH ĐÂY
Tuy vậy, xu hướng thị trường trong ngắn hạn rất khó đoán, nếu không có chiến lược đầu tư nhiều nhà đầu tư rất dễ thua lỗ. Gửi lời khuyên đến nhà đầu tư cá nhân, TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh cho rằng không thể đoán được một cách chắc chắn là diễn biến của thị trường chứng khoán như thế nào.
Vấn đề là hiện nay lượng tiền mặt trên thị trường ở mức cao nhất trong lịch sử trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây ở các quỹ đầu tư. Có nghĩa là có một lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường. Khi Covid 19 là chuyện chưa từng xảy ra trong mấy chục năm trở lại đây thì chuyện lượng tiền mặt cao chưa từng có cũng có thể là một chuyện bình thường và người ta cũng đang chờ khi nào FED dừng tăng lãi suất, các Ngân hàng Trung ương dừng tăng lãi suất, thanh khoản thị trường cải thiện thì người ta sẽ đổ tiền vào. Có khả năng sẽ còn một nhịp đi xuống, nhưng đa số mọi người đều đồng ý là chúng ta đang ở rất gần đáy.
Nếu có một đợt sụt giảm nữa thì có thể kỳ vọng là giảm 10-15% đối với thị trường toàn cầu, chứ không thể sẽ giảm hơn được. Tại vì lượng tiền mặt đã quá lớn và dư địa về vĩ mô, dư địa về nhiều thứ chúng ta sẽ chống chịu cho đến giai đoạn xấu nhất của nền kinh tế tôi nghĩ là quý IV năm nay hoặc đầu năm sau và sau đó thì nó sẽ có những yếu tố lạc quan hơn.
Cho nên sau giai đoạn đó thị trường cổ phiếu sẽ phát triển mạnh trở lại. Hiện nay ở Mỹ cũng có, ở Việt Nam xuất hiện mức giá P/E và P/B tốt để đầu tư dài hạn và chắc chắn là sẽ có những dòng vốn đổ ra để để tận dụng những cơ hội này.
Về chiến lược đầu tư, theo TS Hồ Quốc Tuấn, quá trình phân bổ vốn của các quỹ đầu tư hiện nay đi vào phòng thủ trước, tức là vốn đang đổ vào các cổ phiếu giá trị (Value Stock), không có kỳ vọng tăng trưởng quá lớn nhưng mà nó có thể chi cổ tức tốt hoặc là mức định giá hợp lý.
Trong giai đoạn phòng thủ ở Việt Nam thì chúng ta sẽ đi vào những cổ phiếu mà có xu thế tốt về mặt lợi nhuận. Ví dụ như xu thế về chuyển đổi số, về cung cấp phần mềm, xuất khẩu phần mềm thì đó là những công ty có thể có hoạt động tốt. Thứ hai, những cổ phiếu về hàng tiêu dùng thiết yếu, lợi nhuận của họ vẫn ổn định và chia cổ tức, trả cổ tức tốt.
Trong khi đó, theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty chứng khoán BIDV (BSC), nhà đầu tư nên hạn chế việc dự báo thị trường trong ngắn hạn thay vào đó chúng ta xác định rằng là đây là một giai đoạn thị trường ở vùng sát đáy nhưng nó không dễ dàng xác định và nó có thể kéo dài thêm một thời gian.
Thay vì chúng ta cố gắng để dự báo mức độ đáy đó thì chúng ta sẽ chia những phần tiền giải ngân ra thành nhiều phần khác nhau, giải ngân trước một phần để tránh tình trạng, nếu thị trường có phục hồi trở lại sớm hơn bình thường lại không có sẵn sàng những cổ phiếu ở trong tài khoản, còn những phần giải ngân sau thì sẵn sàng giải ngân khi mà thị trường thậm chí đã phục hồi trở lại.
"Giai đoạn này những ngành thiên về phòng thủ, chẳng hạn như liên quan đến năng lượng, liên quan đến điện, liên quan đến hóa chất là những ngành đang chiếm ưu thế và đang thu hút dòng tiền. Ngoài ra, bất cứ một đợt suy giảm nào bao giờ cũng sẽ có những đợt phục hồi đi kèm với nó, quy mô phục hồi tùy vào sức mạnh của thị trường. Nhưng nếu nhà đầu tư nào quan tâm đến yếu tố ngắn hạn thì có thể quan tâm vào những ngành nào suy giảm nhiều nhất trong giai đoạn trước đó", vị này nhấn mạnh.