HĐQT CTCP Thủy Đặc Sản (mã CK: SPV) vừa công bố Nghị quyết về việc tạm dừng thực hiện phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Lý do đưa ra là do tình hình thị trường không thuận lợi cho việc triển khai chào bán, ảnh hưởng đến lợi ích của Công ty và quyền lợi của Cổ đông.
HĐQT SPV cho biết sẽ xem xét thời điểm phù hợp và đảm bảo lợi ích của các bên để thực hiện phương án phát hành cổ phiếu trong thời gian tới.
Theo kế hoạch ban đầu, Thủy Đặc Sản đã thông qua phương án chào bán thêm 5,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022 sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên mức 162 tỷ đồng. Số tiền 54 tỷ đồng thu được từ chào bán sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của SPV gần như “tắt thanh khoản”, chỉ 100 cổ phiếu khớp lệnh cũng khiến thị giá của SPV biến động mạnh. Chốt phiên 22/12, SPV dừng ở mốc tham chiếu 13.200 đồng/cp và không có cổ phiếu nào được khớp lệnh. Hiện, cổ phiếu này vẫn đang giao dịch trong vùng giá hồi đầu năm.
CTCP Thủy Đặc Sản được thành lập từ năm 1983 và thực hiện cổ phần hóa từ năm 2002. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đông lạnh từ hải sản, nông sản… SPV được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 02/2017.
Không chỉ SPV tạm dừng phát hành cổ phiếu, mới đây, chứng khoán APEC (APS) ra thông báo rút hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng với lý do đưa ra là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc phát hành và lợi ích của cổ đông. Đồng thời, Hội đồng Quản trị (HĐQT) CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) cũng thông qua việc tạm dừng chào bán hơn 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) dự kiến trình xin ý kiến cổ đông thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 10/2/2022 trong cuộc họp cổ đông bất thường lần 2 sắp tới.
Việc các doanh nghiệp dừng, tạm hoãn, thay đổi kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán không còn nhiều thuận lợi, thanh khoản sụt giảm, dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường khi lãi suất huy động theo chiều hướng tăng.