Những nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý 2/2022, cả nước chỉ còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm hơn một nửa so với quý trước (tương ứng giảm 8,9 triệu người) và giảm 4,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động khởi sắc kéo theo nhu cầu tuyển dụng trong nhiều nhóm ngành nghề tiếp tục tăng lên, các doanh nghiệp cũng tăng tốc tuyển dụng để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Là một trong những đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lớn, ông Nguyễn Nam Liên, Tổng Giám đốc, Hiệu trưởng trường Phi công Bay Việt thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho biết, đơn vị này không hạn chế việc tuyển ứng viên phi công vì mỗi năm cần tối thiểu 80 - 100 người, song nhưng thực tế hàng năm số lượng tuyển được ít hơn, dù mức lương khởi điểm thấp nhất là 80 triệu đồng/tháng.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều như: Tổng Công ty May 10, Công ty May Đức Giang, Tập đoàn Hoa Sen, hệ thống các siêu thị… với mức lương từ 5 - 30 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ ưu đãi để thu hút người lao động.
Đơn cử như Tổng Công ty May 10 đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân trực tiếp ở các vị trí như may, cắt, là, lao động ở công việc như phụ bàn, phụ bếp, lễ tân…Tùy theo vị trí, mức thu nhập của người lao động dao động từ 7-15 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông tin rằng hiện tại đơn vị này tiếp nhận nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như: Dịch vụ, du lịch, bán hàng, kinh doanh, công nghệ thông tin, thương mại điện tử…Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất không đòi hỏi nhiều về trình độ.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 6, toàn TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 119.000 lao động, số lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại 124 phiên, sàn giao dịch việc làm là 7.832 lao động; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động là 1.201 người; số lao động được cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 64.820 người.
Theo ông Thành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển thị trường lao động giải quyết việc làm năm 2022 của thành phố, trung tâm tiếp tục phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn tổ chức những phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động để kịp thời phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết hiện đơn vị này đang có sẵn cơ sở dữ liệu của những người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, trung tâm sẽ lọc ra từng người có trình độ chuyên môn theo lĩnh vực, nhu cầu công việc, từ đó liên hệ với người lao động qua email, zalo để kết nối cung cầu lao động.
Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để họ xuống địa phương tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng lao động, cũng như kết nối với những trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương khác như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên…để giới thiệu doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động phổ thông.