Cách đây không lâu, Amazon, Shopify và Peloton phải tăng gấp đôi nhân công mới xoay xở được lượng công việc qua đại dịch. Trong khi đó Delta Air Lines, Hilton Worldwide và các tập đoàn trong lĩnh vực nhà hàng lại cắt giảm nhân sự do lệnh giãn cách và đóng cửa kéo dài. Giờ đây, tình thế dường như đang xoay chuyển hoàn toàn.
Hiện nay, các công ty thuê thêm nhiều nhân công vào năm 2020 và 2021 đang đứng trước tình thế buộc phải cắt giảm hàng loạt hoặc đóng băng tuyển dụng do lo ngại suy thoái kinh tế. Chỉ trong vài tháng, các giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng chiến lược từ chế độ tăng trưởng nhanh sang lo ngại về sự thiếu chắc chắn của kinh tế vĩ mô. Trái lại, các hãng hàng không, khách sạn và nhà hàng lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công sau quãng thời gian dài ngừng hoạt động.
Biến động về lực lượng nhân sự tại các công ty công nghệ lớn từ năm 2019-2022
Ngành công nghệ: Sa thải hàng loạt, tuyển dụng thận trọng
Tính đến cuối quý II năm nay, Amazon đã cắt giảm xuống còn 1,52 triệu nhân viên. Shopify cũng cho nghỉ việc tới hơn 1 nghìn lao động, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động toàn cầu. CEO của Shopify, ông Tobias Lutke cho biết, công ty đã dự đoán rằng, sự gia tăng về nhu cầu mua hàng online trong suốt thời gian đại dịch sẽ chuyển các mô hình bán lẻ truyền thống hoàn toàn sang giao dịch thương mại điện tử chỉ trong vòng 5-10 năm. "Cuối cùng, lần cá cược này của chúng tôi đã sai. Giờ đây, chúng tôi phải điều chỉnh lại mọi thứ".
Tương tự, sau khi công ty mẹ của Facebook là Meta dự báo doanh thu tiếp tục giảm trong quý 2, CEO Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ giảm tốc độ tăng trưởng việc làm trong năm tới. "Đây là thời điểm chúng ta phải làm việc với cường độ cao hơn, khối lượng công việc nhiều hơn và nguồn lực ít hơn", CEO Facebook chia sẻ trong một cuộc họp nội bộ.
Trong khi đó, Alphabet, công ty mẹ của Google cũng yêu cầu nhân viên tập trung cải thiện năng suất và tìm ra giải pháp làm việc hiệu quả thay vì tuyển dụng thêm nhân sự ồ ạt như 2 năm về trước. "Chúng ta đang phải đối mặt với một thị trường vĩ mô đầy thách thức với nhiều bất ổn phía trước", CEO Sundar Pichai của Google cho biết tại một cuộc họp. “Cần phải đưa ra các giải pháp vừa giảm thiểu sự phân tâm, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn cả về chất lượng sản phẩm lẫn năng suất".
Ngân hàng và phố Wall: Chuẩn bị hứng chịu bão tố
Ở khối ngân hàng, tài chính, các nhu cầu về việc làm và tuyển dụng cũng đang có xu hướng đảo chiều. Sáu ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ đã bổ sung tổng cộng 59,757 nhân viên từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 do bùng nổ các hoạt động ra mắt, sáp nhập và phát hành cổ phiếu. chiều
Khối lượng công việc nhiều đến mức các nhân viên ngân hàng phàn nàn vì phải làm việc tới 100 giờ/tuần. Trong khi đó các ngân hàng luôn ráo riết tìm kiếm nhân tài ở những địa điểm như công ty tư vấn và kế toán. Các ngân hàng hàng đầu như Morgan Stanley, Goldman Sachs, Citigroup… đã tuyển thêm từ 15-29% lực lượng nhân sự trong suốt thời gian này.
Ngành ngân hàng và tài chính sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước nguy cơ suy thoái kinh tế
Thế nhưng thời kỳ tốt đẹp ấy lại không kéo dài. Nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến xấu nhất trong 50 năm trở lại đây. Doanh thu ngân hàng đầu tư tại các công ty lớn giảm mạnh trong quý 2.
Goldman Sachs đang phải phải hoãn lại các kế hoạch tuyển dụng và xem xét cắt giảm nhân công vào cuối năm nay. Các ngân hàng khác cũng đang “gồng mình” để chuẩn bị đối mặt với những cơn bão đến từ các đợt biến động thị trường.
Thị trường bán lẻ nhiều sắc thái hơn
Với ngành bán lẻ, câu chuyện lại có nhiều sắc thái hơn. Khi đại dịch bùng phát, các nhà bán lẻ tạp hóa và mặt hàng gia dụng như Target và Walmart vẫn được phép hoạt động, trong khi nhiều trung tâm mua sắm bao gồm những cửa hàng may mặc và chuỗi các cửa hàng bách hóa lại buộc phải đóng cửa tạm thời. Macy's, Kohl's và Gap đã phải tăng cường thêm nhân viên bán lẻ khi doanh số bán hàng của họ bị đình trệ.
Các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực và dùng nhiều phương thức độc đáo để chiêu mộ và giữ chân nhân viên
Thế nhưng sau khi các doanh nghiệp này mở cửa trở lại và hàng triệu người tiêu dùng nhận được phiếu kích cầu, nhu cầu mua sắm lại tăng lên đối với các trung tâm thương mại và trên website của nhà bán lẻ. Các công ty luôn gấp rút trong việc bổ sung lực lượng lao động.
Từ tháng 8 năm ngoái, Walmart đã bắt đầu trả tiền thưởng cho nhân viên kho hàng. Đại gia bán lẻ này cũng đài thọ 100% tiền học phí cũng như chi phí sách giáo khoa cho các nhân viên còn học đại học.
Target thì triển khai chương trình đào tạo đại học “không nợ” cho nhân viên toàn thời gian hoặc bán thời gian, đồng thời tăng 22% lực lượng nhân viên từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022. Còn Marcy đưa ra hứa hẹn sẽ tăng tiền lương trả theo giờ cho nhân viên.
Dịch vụ và du lịch: Tuyển nhân viên "không kịp trở tay"
Nhóm ngành dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn,...lại như "được mùa" và đang trên đà hồi phục lại vị thế sau thời gian dài gặp khủng hoảng triền miên vì dịch bệnh. Vào cuối năm ngoái, khi ngành du lịch mới bắt đầu sôi động trở lại, lượng nhân viên tại các chi nhánh do tập đoàn khách sạn hàng đầu Hilton quản lý, sở hữu và cho thuê đã giảm tới hơn 30 nghìn người. Giám đốc điều hành của Hilton, ông Christopher Nassetta cho biết, ông chưa hài lòng với dịch vụ khách hàng sau khi xem xét thu nhập hàng quý vào tháng 5 vừa qua, và đang xem xét việc mở các đợt tuyển dụng thêm nhân viên cho công ty.
Theo một báo cáo từ McKinsey vào tuần trước, doanh thu du lịch ở Hoa Kỳ vào năm 2022 không chỉ vượt xa mức năm 2020 và 2021 mà thậm chí còn vượt xa mức của năm 2019, thời điểm chưa diễn ra dịch bệnh.
Ngành hàng không tại Mỹ đang thiếu hụt nhân công trầm trọng
Còn với ngành hàng không, sau khi cắt giảm hàng loạt nhân viên xuống chỉ còn 364,471 người vào tháng 11/2020 thì tới nay, lĩnh vực này lại đang phải vật lộn để tìm kiếm và đào tạo ứng viên mới, đặc biệt là với vị trí phi công do nhiều người đã phải rời ngành trong thời điểm diễn ra dịch bệnh. Tính tới kỷ nghỉ cuối tuần ngày 4/7 vừa qua, có hơn 12 nghìn chuyến bay đã bị hoãn do thời tiết xấu và không đủ thành viên phi hành đoàn.
"Đại dịch đã tạo ra những tình cảnh "có một không hai" cho các ngành công nghiệp, gây ra sự phân bổ lại vốn đáng kể", bà Julia Pollak, nhà kinh tế học tại trang web tuyển dụng ZipRecruiter đã có lời bình luận về bối cảnh thay đổi “chóng mặt” của thị trường việc làm.