Dầu xuống mức thấp nhất 4 tháng
Giá dầu giảm khoảng 5% xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, do nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu dầu thế giới sau khi số liệu yếu từ Mỹ và Châu Á.
Chốt phiên 16/11, dầu thô Brent giảm 3,76 USD hay 4,6% xuống 77,42 USD/thùng. Dầu WTI giảm 3,76 USD hay 4,9% xuống 72,90 USD/thùng. Cả hai loại dầu này trước đó ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/7 tại 76,6 USD/thùng và 72,16 USD/thùng.
Số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng lên mức cao nhất 3 tháng trong tuần trước, cho thấy tình trạng thị trường lao động tiếp tục kém. Báo cáo này diễn ra sau một số liệu khác cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 10 giảm lần đầu tiên trong 7 tháng do doanh số mua ô tô và chi tiêu cho sở thích giảm.
OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cả hai dự đoán nguồn cung khan hiếm trong quý 4, nhưng số liệu của Mỹ cho thấy tồn kho đã tăng trong tuần trước.
Trong khi đó, dự đoán hoạt động lọc dầu của Trung Quốc chậm lại cũng ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Hoạt động lọc giảm trong tháng 10 so với mức cao của tháng trước đó do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp giảm và lợi nhuận lọc dầu thu hẹp.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của Trung Quốc tăng trong tháng 10 do sản lượng công nghiệp tăng ở tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh thu bán lẻ vượt dự kiến.
Vàng tăng hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1% do USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm sau khi số đơn trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của nước này tăng nhiều hơn dự kiến, làm chắc chắn hơn dự đoán Fed sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 1,2% lên mức cao nhất 10 ngày tại 1.983,29 USD/ounce, theo xu hướng ngày tăng mạnh nhất trong một tháng. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa cũng tăng 1,2% lên 1.987,3 USD/ounce.
Các thương nhân thấy tỷ lệ đặt cược 2 trong 3 rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không diễn ra trước tháng 5/2024. Vàng đã tăng hơn 7% trong tháng 10 bởi nhu cầu trú ẩn an toàn khi xung đột Trung Đông.
Đồng thoái lui sau khi chạm mức cao nhất 6 tuần
Giá đồng giảm trở lại từ mức cao nhất trong 6 tuần do lo lắng về nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới là Trung Quốc và sau khi giá không duy trì để vượt mức kỹ thuật quan trọng.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,4% xuống 8.233 USD/tấn sau khi chạm mức 8.321,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 2/10.
Giá kim loại này ban đầu tăng do dự trữ giảm và USD yếu hơn đã kích hoạt một loạt mua vào và đẩy giá vượt mức kháng cự 100 ngày tại 8.285 USD/tấn.
Dự trữ đồng của sàn giao dịch LME đang tăng, nhưng số liệu mới nhất từ sàn này cho thấy giảm 2.300 tấn xuống 181.950 tấn.
Lo lắng về nhu cầu tại Trung Quốc, nơi chiếm gần nửa lượng đồng tiêu thụ trên toàn cầu bởi giá nhà mới đang giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10.
Giới phân tích dự kiến sản lượng khai thác đang tăng khiến toàn cầu dư thừa 112.000 tấn trong năm nay, tăng lên 302.500 tấn trong năm 2024, theo một thăm dò của Reuters.
Quặng sắt Đại Liên giảm
Giá quặng sắt Đại Liên giảm do chính quyền Trung Quốc can thiệp để kiểm soát giá đang tăng và số liệu bất động sản yếu kém làm dấy lên lo ngại về nhu cầu từ lĩnh vực tiêu thụ thép quan trọng này.
Quặng sắt giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1,5% xuống 956 CNY (131,77 USD)/tấn, sau khi tăng 1% trong phiên liền trước.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 12 tăng 0,1% lên 130,04 USD/tấn.
Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên được nhà nước hậu thuẫn đã đưa ra giới hạn khối lượng giao dịch hàng ngày với quặng sắt kỳ hạn không quá 500 lot với các hợp đồng giao từ tháng 1 tới tháng 5/2024.
Giá nhà mới của Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10, do các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã không làm thay đổi nhiều sự u ám với người tiêu dùng tại nước này và lĩnh vực bất động sản đang bị nợ nần.
Sản lượng thép thô cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 10, do thêm nhiều nhà máy thực hiện bảo dưỡng lò cao trong bối cảnh lợi nhuận giảm và nhu cầu đáng thất vọng trong mùa tiêu thụ cao điểm.
Tại Thượng Hải thép cây tăng 1,3%, thép cuộn cán nóng tăng 1,1%, dây thép cuộn tăng 1,9% và thép không gỉ tăng 0,1%.
Cao su Nhật Bản cao nhất một tháng
Giá cao su Nhật Bản tăng lên mức cao nhất một tháng trong bối cảnh suy đoán tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô tại Thái Lan và lạc quan về số liệu kinh tế của Trung Quốc.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,5 JPY hay 1,3% lên 273,9 JPY (1,81 USD)/kg.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 1/2024 tăng 155 CNY hay 1,7% lên mức cao nhất 3 tuần tại 14.585 CNY (2.010,31 USD)/tấn.
Những suy đoán nguồn cung nguyên liệu thô giảm tại Thái Lan đã thúc đẩy giá tăng. Mặc dù có một số sự thật nguồn cung sẵn có bị hạn chế, tình trạng này không kinh khủng như nó có thể xuất hiện.
Cà phê, đường trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2024 đóng cửa giảm 3,95 US cent hay 2,3% xuống 1,7120 USD/lb sau khi lên mức cao nhấ trong gần 5 tháng tại 1,7635 USD/lb.
Thị trường cũng được củng cố bởi nguồn cung khan hiếm, dự trữ của sàn giao dịch đang giảm dưới 300.000 thùng trong tuần này, lần đầu tiên trong 24 năm.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2024 tăng 17 USD hay 0,7% lên 2.566 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất hai tháng tại 2.594 USD/tấn.
Giá cà phê tại Việt Nam tăng trong tuần này do nguồn cung từ vụ mới vẫn chưa được thu hoạch bởi mưa nhiều tại các khu vực trồng chủ chốt trong những tuần qua làm gián đoạn việc hái cà phê.
Nông dân tại Tây Nguyên, tỉnh trồng cà phê lớn nhất nước đang bán cà phê ở mức 58.500 – 59.400 đồng (2,41 – 2,45 USD)/kg, cao hơn mức 57.200 – 58.600 đồng một tuần trước.
Các lái thương chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở cùng giá như giá hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2024 tại London.
Một thương nhân khác cũng ở khu vực này chào bán với mức trừ lùi 40 – 50 USD/tấn so với hợp đồng tại London. Người này cho biết lượng cà phê bị hạn chế nhưng nông dân đang bán ra một ít một. Rõ ràng là không phải một vụ thu hoạch tốt, mưa đã làm gián đoạn các hoạt động.
Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra được chào bán ở mức cộng 720 USD/tấn trong tuần này so với hợp đồng giao tháng 1, 2/2024, tăng 20 USD so với tuần trước.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2024 đóng cửa tăng 0,04 US cent hay 0,15% lên 27,19 US cent/lb trong khi đường trắng cùng kỳ hạn giảm 0,9 USD hay 0,1% xuống 733,7 USD/tấn.
Giá gạo Châu Á tăng do nhu cầu mạnh
Giá gạo tăng tại hầu hết các trung tâm Châu Á trong tuần này, giá xuất khẩu của gạo đồ tại Ấn Độ tăng do nhu cầu cải thiện nhẹ, trong khi nguồn cung đang tăng từ vụ mới đã hạn chế đà tăng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 493 – 503 USD/tấn trong tuần này so với 490 – 500 USD một tuần trước.
Tháng trước Ấn Độ đã kéo dài hạn chế xuất khẩu gạo với mức thuế 20% cho gạo đồ tới tháng 3/2024.
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước tăng trong tuần này bất chấp sản lượng và dự trữ tốt, ảnh hưởng tới người tiêu dùng vốn đã khó khăn vì lạm phát cao.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 570 – 575 USD/tấn, tăng từ mức 562 USD một tuần trước.
Hiệp hội các nhà Xuất khẩu gạo Thái Lan đã nâng dự báo xuất khẩu của họ lên 8,5 triệu tấn trong năm nay, tăng từ dự báo 8 triệu tấn trước đó.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 650 – 655 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước, và nguồn cung trong nước vẫn thấp.
Theo số liệu sơ bộ xuất khẩu gạo từ cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong 14 ngày đầu tháng 11 đạt 215.967 tấn, hầu hết xuất sang Châu Phi, Cuba, Indonesia và Philippines.
Lúa mì, đậu tương giảm, ngô tăng
Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm do nhu cầu của Mỹ yếu. Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 đóng cửa giảm 7 US cent xuống 5,53-1/2 USD/bushel. Giá đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/10.
Đậu tương giảm 1,8% do dự báo mưa tại Brazil làm giảm lo ngại về nguồn cung.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 1/2024 giảm 24-3/4 US cent xuống 13,60-1/4 USD/bushel.
Ngô Chicago tăng do báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy doanh số xuất khẩu hàng tuần cao hơn dự báo.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 4 US cent lên 4,74-3/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/11