Theo Bloomberg, việc Bắc Kinh ngừng theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) đang giúp ngành công nghiệp bất động sản nước này hồi sinh.
Bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 25% GDP Trung Quốc. Bất chấp việc Bắc Kinh siết chặt quy định vào năm ngoái, làn sóng dừng thanh toán khoản vay của người mua nhà và loạt dự án nhà ở dở dang; người mua đã quay lại thị trường bất động sản.
Thị trường khởi sắc
Trong tháng 3, doanh số bất động sản tại 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng 44% so với một năm trước đó, sau khi giảm trung bình 13% trong tháng 1 và tháng 2. Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết tốc độ này đang tương đương hồi năm 2019.
Tâm lý người mua cũng đang được cải thiện. Trong số 70 thành phố lớn, 55 thành phố ghi nhận giá nhà đi lên trong tháng 2, tăng đáng kể so với con số 15 thành phố của tháng 12 năm ngoái.
Các hộ gia đình Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ quan niệm làm giàu từ nhà đất.
Theo cuộc khảo sát, tỷ lệ người được hỏi có kế hoạch mua nhà trong 3 tháng tới đã tăng lên 17,5% trong quý I. Tỷ lệ này tăng từ 16% trong quý IV/2022 và là mức cao nhất kể từ quý I năm ngoái.
Cuộc khảo sát cho thấy 18,5% số người được hỏi dự đoán rằng giá nhà sẽ tăng. Con số này vượt xa tỷ lệ 14% của quý IV/2022 và cũng là mức cao nhất kể từ quý III/2021.
Sự hồi sinh của thị trường bất động sản cho thấy các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh đã phát huy tác dụng. Giới chức Trung Quốc quyết liệt đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện những dự án nhà ở dở dang để bàn giao cho người mua.
Chính quyền thành phố Trịnh Châu đã tung ra gói hỗ trợ trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) nhằm giúp các chủ đầu tư hoàn thiện dự án. Một số công ty bất động sản - bao gồm Country Garden Holdings - chuyển hướng kinh doanh dịch vụ xây dựng. Doanh thu từ mảng này nhỏ hơn, nhưng có thể mang lại dòng tiền ổn định cho họ.
Trong khi đó, Sunac China Holdings vừa công bố kế hoạch tái cấu trúc và đã ghi nhận tăng trưởng doanh số bán hàng theo hợp đồng sau một năm sụt giảm.
China Evergrande - tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới - cũng đạt doanh thu 13 tỷ nhân dân tệ trong tháng 3.
Vẫn còn lo ngại
Sự hồi sinh của thị trường là tin vui đối với các công ty địa ốc đang trượt dài trong khủng hoảng. Theo dữ liệu do S&P Global Ratings tổng hợp, trong số 65 công ty niêm yết trên sàn Hong Kong, 21 công ty dự kiến báo lỗ trong năm 2022, 13 công ty đã bị dừng giao dịch và trễ hạn nộp kết quả.
Mới đây, Sinic Holdings Group (có trụ sở ở Thượng Hải) đã bị hủy niêm yết sau chưa đầy 4 năm lên sàn. Công ty này không công bố báo cáo tài chính năm 2021.
Công ty bất động sản Trung Quốc Sichuan Languang Development (sàn Thượng Hải) cũng đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết trong bối cảnh giá cổ phiếu rơi tự do.
Theo hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải hôm 31/1, công ty ước tính trong năm 2022, khoản lỗ ròng sẽ tăng 58% so với năm 2021 lên 21,9 tỷ nhân dân tệ. Còn tài sản ròng của công ty sẽ giảm từ 1,4 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2021 xuống âm 20,9 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022.
Mới đây, công ty đã không thể trả được 42,1 tỷ nhân dân tệ nợ đến hạn thanh toán, bao gồm các khoản vay ngân hàng, nợ ủy thác và một số công cụ tài chính khác.
Tháng trước, tập đoàn quốc doanh Sino-Ocean Group Holding cũng bất ngờ hoãn trả lãi trái phiếu nhằm "bảo toàn tiền mặt", rồi rút lại quyết định sau đó vài ngày. Tuy nhiên, đó vẫn là lời cảnh báo cho cuộc khủng hoảng thanh khoản của ngành.
Sino-Ocean chứng kiến lượng tiền mặt giảm gần 90% trong 2 năm qua. Tính đến tháng 12/2022, công ty chỉ nắm giữ 4,6 tỷ nhân dân tệ tiền mặt không bị hạn chế, trong khi khoản nợ sẽ đến hạn trong vòng 12 tháng lên tới 38 tỷ nhân dân tệ.