CNBC đưa tin hôm 4/7, công ty cho vay tiền mã hóa Vauld (có trụ sở ở Singapore) đã tạm dừng các hoạt động rút, gửi tiền và giao dịch. CEO Darshan Bathija cho biết công ty đang đối mặt với những "thách thức tài chính" do thị trường biến động, môi trường kinh doanh xấu đi và khó khăn của các đối tác chính.
Cách đây 3 tuần, ông Bathjia khẳng định công ty sẽ "tiếp tục hoạt động như bình thường bất chấp sự biến động của thị trường". "Các giao dịch rút tiền vẫn được xử lý như bình thường và không đổi trong tương lai", vị CEO khẳng định trong một bài đăng hôm 16/6.
Nhưng Vauld không miễn nhiễm với những biến động trên thị trường. Kể từ ngày 12/6, khách hàng đã rút 197,7 triệu USD khỏi nền tảng.
Vào quý II, Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã ghi nhận quý tồi tệ nhất trong vòng hơn thập kỷ qua. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới mất khoảng 58% giá trị trong quý II. Khoảng 1.200 tỷ USD bị xóa sổ khỏi thị trường tiền mã hóa.
Các công ty cho vay tiền mã hóa như Vauld bắt đầu gặp những rắc rối về thanh khoản. Vào tháng 6, công ty cho vay tiền mã hóa Celsius cũng tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền.
Cũng trong tháng 6, sàn giao dịch tiền mã hóa CoinFlex đã tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền với lý do "điều kiện thị trường khắc nghiệt".
Sự sụp đổ của thị trường đã phơi bày những kẽ hở trong một số dự án và mô hình kinh doanh tiền mã hóa. Vào tháng 5, stablecoin (đồng tiền ổn định) terraUSD đã sụp đổ, kéo theo token liên kết LUNA.
Quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital (3AC) bị bán giải chấp tài sản sau khi không thể đáp ứng lệnh gọi ký quỹ. 3AC sau đó đã vỡ nợ khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD từ Voyager Digital. 3AC cũng đặt cược vào terraUSD và token LUNA.
Vauld đang thảo luận với các nhà đầu tư tiềm năng. Công ty cũng thuê công ty tài chính Kroll Pte Limited làm cố vấn tài chính, và 2 hãng luật Cyril Amarchand Mangaldas, Rajah & Tann Singapore LLP cố vấn pháp lý lần lượt tại Ấn Độ và Singapore.