Các chỉ báo vĩ mô của Bitcoin hiện tại ở mức đáy, báo hiệu đợt tăng trưởng tiềm năng. Sau một tháng đầy biến động của thị trường tiền số, Bitcoin dao động quanh mốc 20.440 USD /đồng. Nhiều quỹ đầu tư lâm cảnh nợ nần vì đợt sụt giảm của thị trường.
Cá voi “bắt đáy” nhưng nhà đầu tư lo ngại
Dữ liệu on-chain (trên chuỗi khối) cho thấy điểm tích lũy BTC đang ở mức cao trong suốt tháng 6, khi Bitcoin dao động dưới 22.000 USD . Chỉ số này tăng trưởng do các ví nắm giữ dưới 1 BTC và những cá voi sở hữu trên 10.000 BTC liên tục “bắt đáy” Bitcoin.
Trong tháng 6, lượng BTC của nhóm nắm giữ dài hạn đã giảm khoảng 181.800 BTC, tổng số dư của nhóm nắm giữ quay lại mức hồi đầu tháng 9/2021. Con số này chỉ chiếm 7,16% tổng nguồn cung của Bitcoin. Nếu những ví nắm giữ dài hạn tiếp tục bán Bitcoin, khả năng kéo theo nhiều người trong nhóm này "xả" BTC.
Dữ liệu trên chuỗi khối cho thấy nguồn cung mà nhà đầu tư dài hạn nắm giữ trong gần 6 tháng qua đã giảm đi 168.500 BTC. Theo ước tính, khoảng 13.300 BTC được bán ra mỗi tháng, chiếm khoảng 7,3% trên tổng số.
Với nguồn cung cũ hơn, được nắm giữ trên 1 năm, số này đã giảm từ 65,72% xuống còn 64,93% nguồn cung lưu hành, tương đương 150.700 BTC.
Theo tính toán của Glassnode, trong số 181.800 BTC được bán ra, có 82,9% là các đồng tiền được mua vào 1-2 năm trước, 9,8% là của người nắm giữ trong 6-12 tháng, 7,3% còn lại đến từ nhà đầu tư trong vòng 5-6 tháng.
Hiện tại, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại. Dữ liệu từ Alternative cho thấy chỉ số Bitcoin Fear and Greed index ở mốc 13/100 điểm vào ngày 29/6. Đây là số liệu đánh giá tâm lý chung của nhà đầu tư. Các nhà giao dịch đang ở trạng thái sợ hãi tột độ.
Theo Glassnode, hiện các chỉ báo vĩ mô từ phân tích kỹ thuật và dữ liệu on-chain của Bitcoin đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Điều này trùng hợp với các thị trường gấu trong lịch sử.
Mùa đông lịch sử
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá các loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mã hoá đều chìm trong sắc đỏ do lạm phát toàn cầu. Các cơ quan quản lý thắt chặt tiền tệ, gây áp lực lên thị trường tiền mã hoá.
Đặc biệt, những quỹ đầu tư có đòn bẩy tài chính cao phải phân bổ lại các tài sản thế chấp khi hạn thanh toán đến gần. Trường hợp này xảy ra với cả lĩnh vực tài chính truyền thống và mảng blockchain.
Trong khi đó, Bitcoin và Ethereum, hai loại tiền số đứng đầu thị trường có lúc rơi về dưới mốc cao nhất mọi thời đại của chu kỳ trước. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử BTC và ETH cùng mất mốc hỗ trợ này.
Việc này đã khiến phần lớn nhà đầu tư trên thị trường rơi vào tình trạng thua lỗ trên danh nghĩa. Đồng thời, khi lạm phát toàn cầu bắt đầu tăng cao, ngày càng có nhiều người dùng thanh lý các khoản nắm giữ, phải chốt mức lỗ kỷ lục.
Các quỹ đầu tư trên thị trường cũng lần lượt bị thanh lý tài sản thế chấp, rơi vào tình cảnh khủng hoảng thanh khoản, nợ nần. Gần đây, Three Arrows Capital (3AC), quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thị trường chính thức bị thanh lý tài sản thế chấp.
Sau vụ sụp đổ của hệ sinh thái Terra, 3AC phải đối mặt với các khoản vay ký quỹ và đợt sụt giảm nghiêm trọng của thị trường tiền số. Hiện tại, quỹ đầu tư mạo hiểm này đang rơi vào nợ nần. Voyager Digital, công ty môi giới tiền số đã cho 3AC vay 15.250 BTC và 350 triệu USD C.
Three Arrows Capital cần hoàn trả 25 triệu USD C và toàn bộ khoản vay chưa thanh toán cho Voyager Digital trước ngày 24/6. Tuy vậy, đến nay, phía 3AC vẫn chưa thể trả tiền, rơi vào thế khủng hoảng thanh khoản. Voyager Digital đã phát thông báo 3AC vỡ nợ vào sáng 27/6.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
CEO Binance: 'Cái gì mới cũng chứa rủi ro' Nhà sáng lập Binance nói với Zing nên nhìn các trào lưu NFT và metaverse dài hạn hơn.