Sau chuỗi ngày biến động mạnh khi Ngân hàng Nhà nước đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở từ hút ròng sang bơm ròng, thị trường này đã ghi nhận dấu hiệu ổn định trong khoảng một tuần gần nhất.
Trong đó, dù cơ quan quản lý tiền tệ vẫn liên tục bơm tiền Đồng ra thị trường, khối lượng bơm bình quân hàng phiên đã giảm đáng kể so với cuối tháng 7.
Thị trường mở ổn định hơn
Theo số liệu của NHNN, trong tuần 1-5/8, cơ quan này đã thực hiện mua gần 11.000 tỷ đồng tín phiếu từ các thành viên thị trường, qua đó bơm ra lượng tiền VNĐ tương ứng. Tuy nhiên, trong phiên 4/8, bên cạnh gần 1.000 tỷ đồng tín phiếu được mua vào, NHNN cũng bán ra 12.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày cho 1 thành viên, qua đó rút 12.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng.
Như vậy, trong tuần gần nhất, NHNN đã rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng thông qua kênh mua - bán tín phiếu. Trước đó, trong tuần cuối cùng của tháng 7, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng gần 46.000 tỷ đồng ra thị trường.
Trong hai phiên đầu tuần này (8-9/8), cơ quan này cũng đã bơm thêm gần 6.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Xét trên biểu đồ khối lượng giao dịch tín phiếu hàng ngày, NHNN đang có xu hướng can thiệp ít hơn vào thanh khoản hệ thống ngân hàng qua kênh này. Ngoại trừ giao dịch bán tín phiếu 12.000 tỷ đồng cho một thành viên phiên 4/8, cơ quan này chủ yếu giữ xu hướng mua ròng tín phiếu với giá trị 1.000- 3.000 tỷ đồng /phiên trong hơn một tuần gần nhất, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 15.000 tỷ/phiên.
Đánh giá về xu hướng này, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết sau những biến động tương đối mạnh trước đó, hoạt động thị trường mở đã dần trở nên ổn định hơn và thanh khoản trên hệ thống ngân hàng cũng đã phần nào được cải thiện.
Tuy vậy, NHNN vẫn duy trì phương thức đầu thầu lãi suất với mức sàn 3,5%/năm nhằm tạo nền lãi suất liên ngân hàng ổn định hơn trong thời gian tới. Lãi suất trúng thầu cũng giảm xuống còn 3,8%/năm trong những đầu tuần, trước khi tăng lên 4,5%/năm.
Theo SSI, mức lãi suất này chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ giảm nhiệt khi thanh khoản hệ thống được hỗ trợ. Trong khi đó, việc NHNN rút ròng 12.000 tỷ đồng khỏi một thành viên thị trường tham gia đấu thầu phiên 4/8 chỉ phản ánh trạng thái thừa thanh khoản cục bộ.
Nếu tính cả lượng tín phiếu đáo hạn, trong tuần gần nhất, NHNN đã rút ròng khoảng 8.400 tỷ đồng khỏi thị trường.
Trong tuần này (8-12/8), SSI đánh giá yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng sẽ đến từ lượng tín phiếu NHNN bán trước đó đáo hạn ở mức cao (khoảng 46.900 tỷ đồng ), trong khi lượng tín phiếu NHNN mua đáo hạn chỉ vào khoảng 11.000 tỷ đồng.
Lãi suất liên ngân hàng tạo mặt bằng mới
Như phân tích ở trên, hoạt động của NHNN trên thị trường mở đã có xu hướng ổn định hơn so với cuối tháng 7. Tuy nhiên, với việc cơ quan này vẫn duy trì phương thức đầu thầu lãi suất, với mức sàn 3,5%/năm, nền lãi suất cho vay liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.
Thực tế, sau khi tăng dựng đứng từ vùng 0,8%/năm lên hơn 5%/năm trong chưa đầy một tuần, lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tạo mặt bằng mới.
Theo NHNN, lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng phiên gần nhất (8/8) ở mức 4,42%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,49%/năm với kỳ hạn 1 tuần, tăng 0,06 điểm % ở kỳ hạn qua đêm và giảm 0,07 điểm % ở kỳ hạn 1 tuần so với cuối tuần trước.
Xét trên biểu đồ hàng ngày, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã duy trì mặt bằng mới ở trên 4%/năm trong hơn một tuần gần nhất.
Việc NHNN duy trì lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng ở mức cao kể trên cũng nhằm mục đích đưa chênh lệch lãi suất cho vay giữa VNĐ và USD duy trì ở mức dương. Từ đó giảm bớt nhu cầu nắm giữ USD của hệ thống ngân hàng, và gián tiếp làm hạ nhiệt tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh trên thị trường.
Tuần trước, tỷ giá USD/VNĐ trên kênh liên ngân hàng đã giảm nhẹ trong những phiên đầu tuần và tăng dần về cuối tuần. Kết tuần, tỷ giá thị trường này được giao dịch ở mức 23.389 đồng/USD, tăng 0,2% so với cuối tuần trước nhưng vẫn thấp hơn mức bán của NHNN (23.400 đồng/USD).
Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank hiện cố định ở mức 23.250 - 23.530 đồng/USD (mua vào - bán ra), không thay đổi so với cuối tuần trước nhưng đã tăng 50 đồng so với đầu tuần trước. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh, hiện cố định ở mức 23.930 - 24.020 đồng/USD, thu hẹp đáng kể so với thị trường chính thức.
Theo SSI, dù tỷ giá đã hạ nhiệt nhưng áp lực trong thời gian vẫn tương đối cao khi thị trường chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo đó, áp lực điều hành có thể tăng mạnh hơn về cuối năm, khi lãi suất USD được kỳ vọng đạt 3,5-3,75%/năm vào tháng 12. Vì vậy, lãi suất VNĐ trên kênh liên ngân hàng cần duy trì ở mức cao hơn nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, đường cong lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường, trong đó lãi suất kỳ hạn 1 tuần hiện ở mức 4,49%/năm, vẫn cao hơn kỳ hạn 2 tuần (4,2%/năm). Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường, đặc biệt với các nhu cầu ngắn hạn.
NHNN sẽ làm gì?
Với các số liệu kể trên, ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc WiGroup, đánh giá mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng một mạch từ mức 0,3-0,5%/năm lên vượt 5%/năm cho thấy NHNN đã không còn duy trì trạng thái nới lỏng trên thị trường 2 (liên ngân hàng).
Ngoài ra, việc NHNN tích cực hút tín phiếu về, đồng thời hạn chế mở “room” tín dụng cho các ngân hàng, có thể coi là những dấu hiệu của thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Báu cho rằng các động thái kể trên của NHNN có mục tiêu chính là ổn định tỷ giá USD/VNĐ. “Lạm phát không phải yếu tố đau đầu nhất với NHNN, mà là tỷ giá. Thực tế, các hành động gần đây của cơ quan quản lý luôn hướng tới việc giảm sức ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai để ổn định tỷ giá”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, CEO WiGroup cho rằng NHNN không nâng lãi suất điều hành nhưng lại thực hiện đấu thầu lãi suất trên thị trường mở, làm lãi suất này tăng vọt từ 2,5%/năm lên gần 5%/năm, là một trong những cách để thăm dò thị trường về việc tăng lãi suất.
Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng với các yếu tố vĩ mô và bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt là việc FED đã cạn “room” tăng lãi suất, áp lực lên tỷ giá sẽ không quá căng thẳng và NHNN có thể sớm quay lại với chu kỳ nới lỏng tiền tệ để phục hồi kinh tế.
Trong thời gian tới, ông Báu dự báo chính sách tiền tệ của NHNN sẽ trải qua hai giai đoạn.
Một là, từ quý II đến cuối quý IV, NHNN sẽ chấp nhận thắt chặt tiền tệ ở thị trường liên ngân hàng để ổn định tỷ giá, nhưng vẫn chủ động ghìm đà tăng lãi suất trên thị trường 1 (ngân hàng với dân cư). Thời gian bị kéo dài chủ yếu là để chờ lạm phát ở Mỹ tạo đỉnh, áp lực tăng lãi suất FED giảm và áp lực dòng chảy vốn giữa trong nước và thế giới giảm.
Ở giai đoạn 2, từ cuối quý IV trở đi, áp lực của nguy cơ suy giảm kinh tế có thể khiến FED phải quay trở lại với chu kỳ nới lỏng và thúc đẩy NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Covid-19 đã làm mọi chính sách trở nên thụ động và gấp gáp hơn, đến năm 2023-2024, chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến sự đảo chiều về chính sách tiền tệ”, ông Báu chia sẻ.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng các động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ thời gian qua của NHNN là để giảm áp lực lạm phát và tỷ giá.
Tuy nhiên, việc FED vẫn đang trong xu hướng tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD còn lên giá và duy trì sức mạnh tương đối so với các ngoại tệ khác. Với bối cảnh này, VCBS dự báo tiền Đồng có thể giảm giá 3% so với USD năm nay.
Với lãi suất liên ngân hàng, VCBS đánh giá áp lực từ lạm phát đã khiến nhà điều hành có động thái thận trọng hơn, trong đó, NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào của các ngân hàng.
Tuy vậy, các chuyên gia tại đây cho rằng áp lực thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo đó, mặt bằng lãi suất này sẽ dần hạ nhiệt vào cuối năm, tuy nhiên khó có khả năng trở lại ngưỡng trung bình của năm 2021.