Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thị trường trái phiếu Việt Nam đã phát triển tương đối nhanh những năm gần đây. Tính đến tháng 3/2022, tổng dư nợ thị trường này đạt 3,3 triệu tỷ đồng , tương đương 37,4% GDP năm 2021. Trong đó, dư nợ riêng trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 14,8% GDP.
Siết dòng vốn trái phiếu, doanh nghiệp “khó thở”
Theo ông Lực, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khi đó, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã một nửa so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường đang được kiểm soát chặt chẽ.
Vị chuyên gia cho biết Việt Nam luôn có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung dài hạn, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 0,7- 1 triệu tỷ đồng dòng vốn này, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại đang có dấu hiệu quá tải trong hoạt động cấp tín dụng trung dài hạn.
“Vì vậy, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra hiện nay không phải siết chặt mà là điều tiết thị trường này như thế nào để phát triển lành mạnh hơn”, ông Lực chia sẻ.
Còn ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết từ năm 2020, cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, thậm chí là hơi chặt chẽ vì còn nhiều giới hạn trong việc phát hành.
Ông cho rằng việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ trong những năm gần đây hoàn toàn phù hợp với nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế khi dòng vốn tín dụng trung dài hạn của ngân hàng đã ở mức cao.
“Việc tổ chức tín dụng, bất động sản dẫn đầu về số lượng phát hành trái phiếu cũng hoàn toàn phù hợp, bởi đây đều là những ngành quan trọng, có nhu cầu cao về nguồn vốn dài hạn”, vị luật sư cho hay.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho biết doanh nghiệp bất động sản có 2 kênh huy động vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang siết dần dòng vốn tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản, vì vậy, từ những năm 2017-2018, các doanh nghiệp đã phải tìm kiếm nguồn vốn thay thế, dẫn tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất mạnh 4 năm trở lại đây.
“Việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết nhưng không nên thắt chặt như vừa qua. Chỉ sau một số vụ việc vi phạm, nguồn vốn của doanh nghiệp đã bị ách tắc”, Chủ tịch HOREA nhấn mạnh.
Làm sao để thị trường phát triển?
Theo TS Cấn Văn Lực, để không phải siết dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng tới nhu cầu vốn chính đáng của các doanh nghiệp, nền kinh tế, các chính sách cần mang tính vừa phát triển thị trường, vừa kiểm soát rủi ro.
Trong đó, cơ quan quản lý cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tiền lệ xấu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Lực cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong đó, tập trung vào việc nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp; xem xét quy định về tài sản đảm bảo; bảo lãnh thanh toán; bảo lãnh phát hành, phân phối…
“Trước mắt, có thể bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải xếp hạng tín nhiệm, sau khi thị trường đi vào quy củ sẽ nới lỏng theo hướng khuyến khích xếp hạng”
TS Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia
Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng cần có quy định về xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu trước khi ra quyết định đầu tư.
TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, khi lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Tuy thị trường chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng ông cho rằng những vụ việc vừa qua chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.
Ông Hiếu cũng đánh giá cao vai trò của hoạt động xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để bảo vệ nhà đầu tư.
Thậm chí, vị chuyên gia cho rằng, cần thành lập riêng một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính chuyên về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm và kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên.
Ông Hiếu cho biết ngay cả thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới là Mỹ với quy mô 46.000 tỷ USD , chiếm 38% trái phiếu toàn cầu, cũng được vận hành trên cơ sở của hệ thống xếp hạng tín nhiệm.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu cho rằng việc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần thực hiện bắt buộc, để vừa kiểm soát được tổ chức phát hành về vấn đề cung cấp thông tin và minh bạch thị trường, vừa giảm bớt nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này sẽ thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực khác vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng là một trong 2 giải pháp ông Trương Thanh Đức đưa ra để thị trường này phát triển lành mạnh, cùng với yêu cầu minh bạch thông tin trái phiếu phát hành.
Theo ông Đức, nếu đảm bảo được 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi đang thua lỗ, phát hành trái phiếu để đảo nợ nhưng phải công khai minh bạch thông tin cho nhà đầu tư.