Thị trường vẫn đang giai đoạn…"chơi bập bênh", hôm nay khó đoán ngày mai, nhưng một tín hiệu duy trì suốt thời gian qua khiến mọi dự đoán đều chưa mấy sáng sủa: "Thanh khoản chạm đáy". Khi thị trường hết tiền…đi chợ, nhà đầu tư có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của những người đầy kinh nghiệm đi trước?
Động thái từ FED có thật sự trở thành "cơn bão" thời gian tới ?
Trong cuộc điều trần ngày 7/3 vừa qua của Chủ tịch FED, ông Jerome Powell bày tỏ quan điểm mức lãi suất cực đại có thể phải cao hơn so với dự kiến cùng động thái sẵn sàng nâng tốc độ tăng lãi suất, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoang mang.
Tại Talkshow Bí mật đồng tiền, liên quan đến những phát biểu trên, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - PGĐ Chiến lược đầu tư, SSI research đánh giá rằng để trở thành “cơn bão” ắt phải có "trend". Giải thích sâu hơn, ông Tâm cho biết nhà đầu tư đang kỳ vọng thời gian qua là FED sẽ hạ nhiệt bức tranh tăng lãi suất. Có thể thấy rằng, trong năm 2022, đã có 4 đợt nâng lãi suất 0,75%; tháng 12 nâng 0,5% và tháng 1 nâng 0,25%; hiện đang là trend giảm tốc.
“Cơn bão” đến từ động thái của FED chỉ được hình thành khi xuất hiện một trend mới, nghĩa là bẻ trend giảm và nâng lãi suất trở lại 0,5% liên tục. Hiện, câu chuyện chỉ dừng lại ở những phát biểu và kỳ vọng của thị trường, thực tế phải tới rạng sáng 23/3 mới rõ. Trong góc nhìn ngắn hạn, câu chuyện này đang đi ngược với kỳ vọng của mọi người nên sẽ coi đó là rủi ro.
Theo góc nhìn của ông Tâm, cổ phiếu trong danh mục quan trọng hơn hết. Tất nhiên, câu chuyện từ FED nói riêng hay nước Mỹ nói chung vẫn đáng quan tâm song chúng ta đang ở Việt Nam. Hơn nữa, động thái FED nâng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng điện hay nước chẳng hạn,… Quan trọng, cổ phiếu đang như thế nào.
Là một chuyên gia giao dịch chứng khoán tương đối nhiều, ông Tâm cho rằng rất khó để có thể mạo hiểm một lượng tiền lớn vào tài sản có rủi ro nhất định như chứng khoán. Nếu nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận đột biến trên thị trường thay vì những khoản lợi nhuận thông thường, có thể mạo hiểm trading liên tục với tỷ trọng vừa phải. Đồng thời, nhà đầu tư cần hiểu và nắm được những rủi ro sắp tới phải đối mặt là gì, nhất là khi đã trải qua bài học rất lớn trong nhịp downtrend năm ngoái.
Có nên hành động theo giao dịch của cổ đông lớn?
Ông Tâm cho biết, thị trường hiện tại vẫn theo chiến lược "mua thấp bán cao" do biên độ giao dịch tương đối hẹp. Điều này trái ngược với giai đoạn thị trường Uptrend, xu hướng nhà đầu từ là mua cao và chờ giá cao hơn để bán.
Còn theo góc nhìn của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, thông tin tích cực lẫn tiêu cực hiện nay không xuất hiện quá nhiều. Mùa đại hội cổ đông và mùa kết quả kinh doanh quý 1 phải chờ đợi thêm một vài tuần nữa, do vậy thanh khoản thị trường chỉ "lình xình".
Đánh giá tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, vị kinh tế trưởng SSI cho biết kết quả kinh doanh 2023 về cuối năm sẽ diễn biến tích cực hơn và đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu. So sánh với quá khứ, mức định giá hiện tại khá hợp lý.
Đồng thời, ông Hưng cũng chia sẻ rằng nếu nhà đầu tư có thông tin, điều cần làm tiếp theo là phải xử lý nó. Điển hình như thông tin vợ chủ tịch một công ty nào đó bán cổ phiếu. Giả sử thông tin này là đúng và chúng ta hãy tìm hiểu xem quá khứ những lần ra tin này, giá cổ phiếu phản ứng như thế nào. Đặc biệt, chúng ta cần phải biết được những yếu tố đằng sau cổ phiếu, nhân tố nào quan trọng để thúc đẩy giá.
"Nhiều khi giao dịch của cổ đông lớn rất đơn giản, chỉ là giao dịch chuyển từ tài khoản này sang tài khoản kia chứ không phải bán thẳng ra thị trường và thu tiền về. Do đó, tôi nghĩ rằng nhà đầu tư cần xử lý thông tin kỹ hơn và cần có căn cứ, tránh việc cứ thấy cổ đông lớn bán ra là mình bán theo hành động này", Mr. X30 nhận định.