Nhìn về năm 2023, giới phân tích tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về triển vọng của giá vàng, cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục gặp trở ngại từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn.
Ngay khi bước sang năm 2022, giá vàng thế giới đã nhận được lực đẩy từ môi trường lạm phát nóng lên trên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị. Với lực đẩy kép này, giá vàng tăng bùng nổ, từ ngưỡng 1.800 USD/oz vào đầu năm, giá vàng lên 2.050 USD/oz vào đầu tháng 3 và đe doạ phá vỡ kỷ lục mọi thời đại 2.060 USD/oz thiết lập vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, đỉnh giá này không duy trì được lâu, vì giá vàng nhanh chóng để mất vị thế “vịnh tránh bão” được ưa chuộng nhất vào tay đồng USD.
'Phut lóe sáng" của vàng trong năm 2022
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu cuộc đua tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu đã đưa tỷ giá đồng USD leo thang chóng mặt so với đồng tiền của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Xu hướng tăng này của đồng bạc xanh đạt đỉnh điểm vào tháng 9, khi chỉ số Dollar Index vượt 114 điểm, cao nhất từ năm 2002 và tăng gần 19% so với thời điểm đầu năm. Đồng USD tăng giá vừa hút vốn khỏi thị trường vàng, vừa gây áp lực giảm lên giá vàng vì vàng là tài sản định giá bằng USD. Dù đã “giảm nhiệt” vào cuối năm 2022, Dollar Index ở trung tuần tháng 12 đã tăng hơn 8% so với đầu năm.
Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất cũng đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, tạo thêm sức ép mất giá đối với vàng - loại tài sản không mang lãi suất. Từ mức 1,6% vào đầu năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vượt 4,2% vào cuối tháng 10, mức cao nhất trong 15 năm. Không chỉ ở Mỹ, lãi suất tăng trên toàn cầu cũng là nguồn áp lực mất giá đối với vàng trong năm qua.
Từ đỉnh giá trên 2.000 USD/oz, giá vàng gần đã giảm còn hơn 1.600 USD/oz vào cuối tháng 9, tương đương giảm 20%. Cuối tháng 12, giá vàng hồi phục lên ngưỡng 1.800 USD/oz do kỳ vọng lạm phát toàn cầu có thể đã qua đỉnh và các ngân hàng trung ương lớn giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Ở mức giá này, vàng đã trở lại xuất phát điểm vào đầu năm, không giữ được thành quả tăng giá trước đó.
Những kỷ lục mọi thời đại của giá vàng trong nước
Giá vàng miếng SJC khởi động năm 2022 ở mức 61,7 triệu đồng/lượng cho chiều bán ra. Với lực đẩy mạnh từ giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC đã lập kỷ lục trên 74 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 3, đồng nghĩa tăng 12,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng gần 20% chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Thậm chí, giá vàng trong nước còn bứt phá mạnh hơn giá vàng thế giới, thể hiện qua chênh lệch giữa giá vàng trong nước-quốc tế kéo giãn rộng. Ở thời điểm giá kỷ lục, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng - một mức chênh lớn chưa từng thấy trong lịch sử.
Mức đáy của giá vàng miếng trong nước năm 2022 là mốc 62,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi tháng 7. Cuối năm, giá vàng miếng SJC bán lẻ dao động quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng tăng gần 9% so với đầu năm và cao hơn trên 15 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành (CEO) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nói rằng: “Chênh lệch giá vàng ở Việt Nam so với thế giới là rất cao, thuộc hàng cao nhất thế giới. Đó là do yếu tố cung cầu. Việt Nam không phải là một nước sản xuất vàng và phải nhập khẩu vàng. Việc Việt Nam hạn chế nhập khẩu vàng dẫn tới nhu cầu vàng trong nước vượt quá nguồn cung. Điều này, cộng thêm chi phí hậu cần, dẫn tới chênh lệch lớn”.
Theo ông Naylor, việc nới nhập khẩu vàng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới. Việt Nam là thị trường vàng miếng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, với nhu cầu đạt 31,1 tấn trong năm 2021, so với mức 28,7 tấn của Thái Lan; 19,8 tấn của Malaysia; và 5,5 tấn ở Singapore. Đây là 4 thị trường duy nhất của khu vực mà WGC có dữ liệu về vàng miếng. Theo một báo cáo của WGC, trong quý 3/2022, tổng nhu cầu vàng của Việt Nam đạt 12 tấn, tăng 264% so với mức 3,3 tấn ghi nhận trong quý 3/2021.
Cửa nào cho giá vàng trong năm 2023
Về triển vọng giá vàng trong năm 2023, giới phân tích giữ quan điểm dè dặt, cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục bị chi phối chủ yếu bởi tình hình lạm phát và lãi suất trên toàn cầu. Nếu lạm phát cao dai dẳng và các ngân hàng trung ương phải duy trì lãi suất ở mức đỉnh trong một thời gian dài trước khi chuyển sang nới lỏng, cơ hội tăng của giá vàng sẽ bị cản trở. Ngược lại, nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh hoặc nền kinh tế toàn cầu suy thoái buộc các ngân hàng trung ương phải sớm cắt giảm lãi suất, giá vàng sẽ có “cửa” để bứt phá.