Nội dung chính:
- Giá vàng thế giới tiếp tục biến động cùng chiều theo tâm lý thị trường trước các tin tức quan trọng như nguy cơ sụp đổ của ngân hàng Mỹ First Republic Bank, GDP quý I của Mỹ,...
- Giá vàng SJC đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ngày ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng đã giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce vào tuần trước do ảnh hưởng từ những phát biểu cứng rắn của quan chức Cục Dự trữ Liên ban Mỹ (Fed) và số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ và khu vực đồng Euro đã tăng tốc trong tháng 4.
Trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới không có nhiều biến động, giao dịch dưới mức 2.000 USD/ounce. Giá vàng liên tục trồi sụt khi các nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý trước một loạt dữ liệu quan trọng của kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát yêu thích của Fed và số liệu GDP quý I/2023.
David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định: “Thị trường đang đi ngang trong ngắn hạn, chờ đợi dữ liệu kinh tế tiếp theo có khả năng tác động thị trường theo hướng tích cực hay tiêu cực”.
Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường đang kỳ vọng 91% cơ hội Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách đầu tháng 5. Một số chuyên gia cho rằng các đợt tăng lãi suất dồn dập có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái và khiến tình hình vượt quá tầm kiểm soát của giới chức Mỹ, buộc Fed phải đảo ngược chính sách trong cuối năm nay.
Theo báo cáo của Fed Dallas công bố hôm 24/4, hoạt động của các nhà máy ở bang Texas trong tháng 4 tiếp tục ghi nhận tốc độ sụt giảm mạnh nhất 9 tháng qua. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về tác động của các đợt tăng lãi suất dồn dập từ ngân hàng trung ương.
Phiên sáng 26/4, giá vàng thế giới lại vượt mốc 2.000 USD/ounce. Mối lo về nguy cơ sụp đổ ngân hàng Mỹ First Republic Bank đang hỗ trợ giá vàng, nhưng mức tăng giá của kim loại quý này hạn chế do nhà đầu tư thận trọng trước các số liệu kinh tế quan trọng dự kiến công bố cuối tuần.
Ngày 28/4, vàng lại đảo ngược hướng đi và giảm giá do đồng USD tăng sau khi các dữ liệu kinh tế yếu hơn của Hoa Kỳ không đáp ứng được kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Fed vào tuần tới trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp diễn.
Dữ liệu mới công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Cụ thể, GDP quý I/2023 chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ, giảm mạnh so với mức 2,6% của quý IV/2022 và thấp hơn hẳn mức dự báo 2%. Điều đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến đồng USD, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Mặc dù vàng giảm trong ngắn hạn nhưng các chuyên gia của Bank of America cho rằng với nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương, xu hướng phi đô la hóa đang gia tăng và Fed ngừng tăng lãi suất, vàng đang trong môi trường thuận lợi để tăng lên mức 2.500 USD/ounce trong năm nay mà không cần có thêm các nhà đầu tư mới.
Giá bán vàng trong nước duy trì trên 67 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới lại vượt mốc 2.000 USD/ounce kéo giá vàng trong nước ngày 27/4 tăng theo. Giá vàng SJC được các công ty vàng bạc đá quý điều chỉnh tăng giảm trái chiều trong biên độ nhỏ.
Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng
Ngày 28/4, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng - đi ngang so với phiên giao dịch hôm trước.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết ở mức 55,75 – 56,75 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55,55 – 56,6 triệu đồng/lượng, giảm mạnh so với cuối phiên trước.