Nội dung chính
- Kết thúc tháng 10, giá vàng thế giới thiết lập kỷ lục buồn với chuỗi 7 tháng rớt giá liên tiếp.
- Vàng thế giới "chạm" mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua.
- Ngân hàng Trung ương các nước mua vàng kỷ lục.
- Vàng trong nước “ngược dòng” phiên cuối so với vàng thế giới.
Vàng thế giới thiết lập chuỗi đi xuống dài nhất trong 40 năm trở lại đây
Kết thúc tháng 10, giá vàng thế giới giảm khoảng 1,1%. Kim loại quý này đã lập kỷ lục 7 tháng liên tiếp rớt giá. Đây cũng là chuỗi giảm dài nhất trong 40 năm trở lại đây. Kể từ khi thiết lập mốc chủ chốt 2000 USD/ounce vào hồi tháng 3, giá vàng thế giới đến nay đã giảm khoảng 400 USD/ounce.
Sức ép từ việc Mỹ liên tục tăng lãi suất, đồng USD tăng giá là những nguyên nhân khiến sức hút của kim loại quý này giảm sút và vàng không thể phát huy được vai trò là kênh đầu tư chống lạm phát và phòng ngừa rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới đã liên tục giằng co mạnh ở trước và sau khi diễn ra Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới đã giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Tuy nhiên sang ngày 2/11, kim loại quý này bất ngờ đảo chiều tăng mạnh. Theo quy đổi, giá vàng thế giới tương đương 49,5 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với phiên ngày 1/11.
Đúng như dự báo của nhiều nhà đầu tư, vàng thế giới lập tức đi xuống ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kết thúc cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày và thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% lần thứ tư liên tiếp. Kim loại quý này đã mất 4000.000 đồng/lượng so với ngày 2/11. Theo dự đoán của giới đầu tư, giá vàng sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi trong thời gian còn lại của năm nay do lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn của Fed.
Đến phiên giao dịch ngày 4/11, giá vàng thế giới tụt xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng khi tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng. Theo quy đổi, giá vàng thế giới tương đương 48,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ trong nước 18,3 triệu đồng/lượng.
Phản ánh tình trạng bi quan của nhà đầu tư, Quỹ Giao dịch hoán đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp. Tổng cộng trong hai phiên, quỹ vàng khổng lồ này đã bán ròng khoảng 8 tấn vàng.
Giá vàng giảm nhưng nhu cầu mua vàng trên thế giới tăng mạnh. Theo hội đồng vàng Thế giới (WGC), các Ngân hàng Trung ương thế giới đã mua tổng cộng gần 400 tấn vàng trong quý III, giá trị tương đương 200 tỷ USD, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương thế giới đã mua 673 tấn vàng. Đây cũng là mức mua nhiều nhất kể từ năm 1967.
SJC tăng ngược chiều thế giới, vẫn giữ được mốc 67 triệu đồng/lượng
Trước diễn biến bất thường của vàng thế giới, giá vàng trong nước trong tuần qua vẫn duy trì mốc 67 triệu đồng/lượng. Trong phiên 2/11, cả vàng thế giới và trong nước đều bật tăng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với phiên 1/11.
Dù sang phiên thứ Sáu (4/11) giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng qua, thì giá vàng trong nước vẫn vững vàng, thậm chí là tăng mạnh ở cuối phiên. Chốt phiên cuối tuần, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức mức 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch mua – bán là 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, nhẫn tròn trơn Phú Quý 999,9 có giá 51,65 triệu đồng/lượng mua vào và 52,25 triệu đồng/lượng bán ra.