Nội dung chính:
- Từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 9% do tâm lý lo ngại trước những biến động trong ngành tài chính ngân hàng
- Giá vàng trong nước ổn định ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,5 triệu đồng/lượng bán ra
Vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị. Từ vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank ngày 10/3, giá kim loại quý này đã tăng khoảng 160 USD/ounce.
Theo Kitco, giá vàng đã đạt mức tăng hàng tuần tốt nhất trong 3 năm vào tuần trước khi thị trường hỗn loạn giữa các tin tức tiêu cực trong ngành ngân hàng.
Sau sự kiện Credit Suisse bị thâu tóm, ngày 20/3, giá vàng thế giới vượt 2.000 USD/ounce - mức cao nhất một năm. Nhưng sau đó vàng đảo chiều giảm nhẹ khi tâm lý thị trường dịu lại sau cuộc giải cứu Credit Suisse.
Nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tâm lý thị trường hiện tại đã bớt lo ngại rủi ro nhưng chủ yếu là do các nhà giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn chốt lãi mạnh sau khi giá vàng đạt mức cao nhất trong 12 tháng vào ngày 20/3”.
Sáng ngày 22/3, giá vàng giao ngay ở mức 1.941 USD/ounce, tương đương 55,33 triệu đồng/lượng khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt, đồng thời một số nhà giao dịch đã bắt đầu chốt lãi do lo ngại rủi ro xung quanh ngành ngân hàng, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định về lãi suất.
Giá vàng bật tăng trở lại trong ngày 23/3 sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % đúng như các dự báo được đưa ra trước đó. Đồng thời, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi thông điệp cho thấy chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc trong bối cảnh bất ổn gần đây trên thị trường tài chính.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và đồng USD chạm mức thấp nhất trong gần 7 tuần khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn.
David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định nếu Fed thực sự tạm dừng tăng lãi suất, điều này sẽ hậu thuẫn cho thị trường vàng.
Nhà phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered cho biết: “Fed đang phải cân bằng rủi ro lạm phát và ổn định kinh tế, cả hai đều là những yếu tố có thể thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn hơn đối với vàng”.
Từ đầu tháng đến nay, giá vàng đã tăng gần 9% do tâm lý lo ngại xoay quanh những biến động trong ngành tài chính ngân hàng, chủ yếu do việc lãi suất cao gây ra.
Tai Wong - nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York cho rằng: “Mặc dù không đạt mức cao nhất trong ngày nhưng vàng đang phục hồi mạnh mẽ, khi thị trường đặt cược rằng, chu kỳ tăng lãi suất này đã kết thúc”.
Ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới Goldman Sachs đã tăng mục tiêu giá vàng trong 12 tháng từ 1.950 USD lên 2.050 USD/ounce, nhấn mạnh hàng rào tốt nhất chống lại rủi ro tài chính.
Vàng trong nước ổn định mức 67,5 triệu đồng/lượng
Sau tuần tăng phi mã trước đó, thị trường vàng trong nước đã khởi đầu tuần giao dịch mới với xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các mặt hàng vàng trong nước vẫn đang giao dịch ở vùng giá cao nhất 2 tháng.
Ngày 20/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,8 triệu đồng/lượng mua vào và 67,5 triệu đồng/lượng bán ra. So với phiên cuối tuần trước, thương hiệu vàng quốc gia giữ nguyên giá bán nhưng tăng 200.000 đồng ở giá mua vào.
Giá vàng nhẫn trong nước cũng có diễn biến tương tự trong phiên 20/3 với mức giá dao động quanh mức 54,6 - 55,9 triệu đồng/lượng.
Diễn biến hạ nhiệt của thị trường vàng trong nước phiên đầu tuần xuất phát từ việc giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt sau chuỗi tăng liên tiếp tuần trước.
Xuyên suốt tuần qua, giá vàng trong nước gần như duy trì ổn định quanh mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng miếng SJC tăng chậm hơn thế giới khiến chênh lệch giữa thị trường trong và ngoài nước thu hẹp từ vùng 15 triệu đồng về sát 10 triệu đồng. Trong khi thông thường vàng miếng trong nước sẽ "tăng nhanh, giảm chậm" so với thế giới.
Tại các điểm kinh doanh trang sức, giá vàng nhẫn dao động trong khoảng 54,65 – 56,05 triệu đồng/lượng.