Nội dung chính:
- Giá vàng thế giới bật tăng nhờ tín hiệu tăng lãi suất chậm của Fed.
- Vàng miếng SJC tiến sát mốc 68 triệu đồng/lượng.
- Các ngân hàng Trung ương Thế giới tăng mua vàng.
Vàng thế giới đảo chiều sau khi trượt dốc
Xu hướng tăng của giá vàng bị cản lại từ những phiên cuối tuần trước sau khi một loạt quan chức Fed bày tỏ quan điểm phải tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (21/11), giá vàng thế giới vẫn tiếp đà giảm.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần trong phiên giao dịch ngày 22/11, do đồng USD mạnh lên và tình hình dịch Covid-19 diễn biến xấu ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến ngày 24/11, thị trường vàng thế giới bất ngờ đảo chiều mạnh. Động lực vàng thế giới tăng mạnh xuất phát từ kết quả cuộc họp của Fed cho thấy ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đang tính đến việc giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vì vàng là tài sản không lãi suất nên môi trường lãi suất cao gây bất lợi cho giá vàng, và ngược lại.
Hỗ trợ cho giá vàng trong phiên 24/11 còn là sự xuống giá của đồng USD. Vàng được định giá bằng USD, nên USD giảm là một yếu tố có lợi cho giá vàng.
Theo quy đổi, giá kim loại quý thế giới trong ngày 24/11 tương đương 52,6 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với sáng ngày 23/11.
Giá vàng thế giới trong phiên 25/11 tiếp đà tăng nhẹ, có giá tương đương 52,7 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC “neo” gần 68 triệu đồng/lượng
Trong khi đó, giá vàng trong nước tuần qua cùng chiều với vàng thế giới. Trong ba phiên đầu tuần, vàng thế giới giảm kéo vàng trong nước giảm theo. Giá vàng miếng SJC mất 300.000 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra trong 3 phiên đầu tiên.
Sang phiên ngày 24/11, khi kim loại quý thế giới tăng 500.000 đồng/lượng thì giá vàng miếng trong nước cũng tăng theo. Cụ thể, giá vàng miếng SJC tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Chốt phiên cuối tuần 25/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 100.00 đồng/lượng so với phiên 24/11.
Các nước “sốt” tích trữ vàng, Trung Quốc gia tăng nhập khẩu vàng Nga
Theo Nikkei Asia, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng cường mua vàng sau khi phương Tây quyết định đóng băng các tài sản ở nước ngoài của Nga nhằm trừng phạt chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine.
Trong đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc được nhiều chuyên gia nhận định là đã mua một phần trong lượng vàng trên 2.000 tấn của Ngân hàng Trung ương Nga. Nguyên nhân được cho là nước này muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Trung Quốc gia tăng mạnh việc nhập khẩu vàng của Nga (Ảnh: Internet)
Tháng 7 vừa qua, theo cơ quan hải quan Trung Quốc, nhập khẩu vàng của Trung Quốc từ Nga đã tăng gấp 8 lần so với tháng 6/2022 và gấp gần 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, vào năm 2015, Bắc Kinh từng khiến thị trường choáng váng khi nắm giữ tới 600 tấn vàng. Đặc biệt, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã không công bố bất cứ giao dịch mua nào kể từ tháng 9/2009.
Mặc dù giá vàng đã giảm 4% từ đầu năm đến nay, nhưng kim loại quý này vẫn an toàn hơn so với các tài sản khác. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã mua tổng cộng 400 tấn vàng trong quý III, trị giá khoảng 20 tỷ USD, góp phần làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng với vàng trên toàn cầu.
Theo ông Nikos Kavalis - Giám đốc điều hành của công ty kim loại quý Metals Focus, thời gian sắp tới các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ tiếp tục mua vàng nhằm bảo vệ tài sản bằng cách giảm mức độ phụ thuộc vào đồng USD.