Nội dung chính:
- Sau khi đạt mức giá kỷ lục 9 tháng, kim loại quý thế giới lao dốc không phanh.
- Giá vàng biến “lạ” trước và trong ngày Vía Thần Tài 2023.
- Các ngân hàng trung ương mua 1.135 tấn vàng trong năm 2022, lớn nhất kể từ 1967
Giá vàng thế giới biến động thất thường
Sau đà tăng mạnh của thị trường vàng từ đầu năm 2023, những nhà đầu tư kênh vàng thế giới đã có một tuần đầy biến động khi giá kim loại quý thế giới diễn biến như “tàu lượn”.
Cụ thể, ở phiên giao dịch ngày 1/2, giá vàng thế giới đã đạt mức tăng cao nhất 9 tháng qua với giá quy đổi tương đương 55,6 triệu đồng/lượng. Vàng có động lực tăng giá mạnh sau Phát biểu được cho là mềm mỏng bất ngờ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về quá trình giảm lạm phát có vẻ đã bắt đầu.
Tuy nhiên, kim loại quý này đã nhanh chóng đảo chiều lao dốc chỉ một ngày sau đó. Trong phiên giao dịch 3/2, giá vàng thế giới đã đánh mất mốc chủ chốt 1.900 USD/Ounce được thiết lập được thiết lập trước đó. So với ngày tăng mạnh nhất tuần, vàng thế giới đã đánh rơi 2,5 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá kim loại quý đang giao dịch ở mức giá quy đổi tương đương 53,1 triệu đồng/lượng.
Vàng lao dốc trong bối cảnh các dữ liệu mới nhất từ Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho thấy lĩnh vực dịch vụ vượt kỳ vọng trong tháng 1/2023 và tăng trưởng sau khi đã giảm ở tháng 12/2022. Trước đó, kim loại quý này cũng chịu áp lực bán khi dữ liệu từ thị trường lao động Mỹ mạnh hơn dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cũng giảm xuống 3,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Ngoài ra, kim loại quý thế giới đảo chiều còn do chịu áp lực chốt lời của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh trở lại cũng phần nào gây sức ép lên giá vàng thế giới.
Các ngân hàng trung ương thế giới mua vàng kỷ lục năm 2022
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới vừa công bố, trong năm 2022, các ngân hàng trung ương thế giới đã mua 1.135 tấn vàng, đánh dấu mức mua ròng cao nhất trong 55 năm qua.
Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng trong năm qua vì những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Trung Quốc là một trong những quốc gia mua vàng nhiều trong năm 2022. Quốc gia tỷ dân này đã mua tổng cộng 62 tấn vàng trong 2 tháng cuối năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây, dự trường vàng của nước này tăng lên. Tuy nhiên trên thực tế Trung Quốc có thể mua nhiều hơn con số trong báo cáo.
Một số ngân hàng trung ương mua nhiều vàng trong năm 2022 gồm Thổ Nhĩ Kỳ với 148 tấn vàng, Qatar với 35 tấn, Uzbekistan mua 34 tấn và Ấn Độ với 33 tấn.
Việc đẩy mạnh mua vàng đồng nghĩa sự phụ thuộc vào USD của các ngân hàng trung ương đang giảm dần.
“Nghịch lý” giá vàng giảm mạnh trước ngày Vía Thần Tài
Khác với những năm về trước, giá vàng sát ngày Thần Tài (mùng 10/1 âm lịch) lại diễn biến trái ngược so với nhu cầu của người tiêu dùng. Trong phiên giao dịch đầu tuần (30/1), tức mùng 9 Tết, giá vàng miếng, giá vàng nhẫn và các mặt hàng trang sức ghi nhận đà giảm mạnh sau khi tăng liên tục hơn 1 tháng trước đó. Giá vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn có thời điểm đã giảm 500.000 đồng/lượng ở hai đầu mua vào – bán ra so với đầu phiên và giảm hơn 1 triệu đồng/lượng so với phiên ngày 29/1.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại cũng được các doanh nghiệp giảm 500.000 đồng/lượng so với ngày trước đó.
Giá vàng ở thị trường trong nước giảm mạnh trước ngày vía Thần Tài được xem là khá bất ngờ, Bởi vì, thông thường giá vàng chỉ giảm sau ngày Thần Tài khi nhu cầu giảm. Còn năm nay giá vàng lại được đẩy lên cao từ trước Tết Nguyên đán khi nhu cầu mua vàng lấy may gia tăng. Nguyên nhân đến từ việc nhiều người dân đã tranh thủ chốt lời, chủ động bán vàng khi mức giá còn cao. Ngoài ra, thị trường vàng thế giới cũng tác động ít nhiều đến giá vàng trong nước.
Mua vàng ngày vía Thần Tài: vía cho “tiệm vàng”, khách hàng “thủng ví”
Nhu cầu mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) đã giúp giá vàng trong nước tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào trong ngày 31/1 so với chốt phiên hôm trước. Trong ngày Thần Tài, nhiều người dân tại Hà Nội đã có mặt tại các tiệm vàng, xếp hàng chờ mua với mong muốn mang tài lộc về nhà.
Những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng trong ngày Thần Tài năm nay là nhẫn tròn trơn từ 0,5 chỉ đến 2 chỉ hay các miếng vàng có hình tượng mèo tượng trưng cho năm Quý Mão.
Theo ghi nhận, sức mua vàng của người tiêu dùng năm nay không mạnh như nhiều năm trước. Các tiệm vàng, cửa hàng kim hoàn không chứng kiến tình trạng chen lấn, xô đẩy. Một trong những nguyên nhân là do năm nay khách hàng lại có xu hướng đặt mua vàng Thần Tài qua các kênh online.
Một ngày sau ngày vía Thần Tài, mức chênh lệch mua vào – bán ra của vàng miếng SJC đã thu hẹp từ 1,4 triệu đồng/lượng về mức 800.000 đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước.
Đến phiên ngày 4/2, giá vàng trong nước quay đầu giảm theo đà lao dốc của vàng thế giới. Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,7 triệu đồng/lượng mua vào – 67,5 triệu đồng/lượng bán ra
Theo Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quý IV/2022 của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt trong quý IV/2022 là 13,5 tấn vàng, tăng 58 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2022, người Việt đã mua 18 tấn vàng trang sức, đây là mức cao nhất trong vòng 14 năm.