Theo đó, tại báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch 2023 trình Quốc hội Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án mới và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.
Với tín dụng bất động sản, thị trường chứng khoán gần đây biến động lớn, các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm mạnh, ảnh hưởng tới giá trị tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tại một số tổ chức tín dụng.
Thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá, gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng tới cấp tín dụng, định giá tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng với bất động sản là đầu tư dài hạn nhưng vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Đồng thời chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản những năm gần đây có xu hướng tăng dần.
Tình hình diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua xảy ra một số hiện tượng tiêu cực, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Tại báo cáo nêu trên, Chính phủ cũng nhận định hiện các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng cũng như việc triển khai tín dụng đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro còn gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu vấn đề về khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau.
Nhìn chung, Báo cáo của Chính phủ cho thấy thị trường vốn đã có những bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp; nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, do đó làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Theo đó, trong những tháng còn lại của năm 2022, Chính phủ xác định thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với điều hành chính sách tài khóa nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường trong, ngoài nước, .... bảo đảm cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, là kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, song biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối, chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao. Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Xem xét Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ báo cáo làm rõ hơn hiện tượng bất ổn ở một vài ngân hàng thương mại gần đây; thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản và mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng an ninh tài chính….