Vì vậy, trong ngắn hạn, việc lựa chọn mua ô tô, nhất là các sản phẩm đắt tiền, phân khúc cao cấp trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, giá xăng dầu leo thang… về cơ bản vẫn sẽ là khó khăn với người tiêu dùng.
Theo thông tin trả lời chính thức của đại diện liên doanh ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam với phóng viên Thời báo Ngân hàng thì tình trạng khan hiếm, không đủ lượng xe cung ứng cho người có nhu cầu mua xe của hãng này, nhất là đối với một số mẫu xe “hot” như Huyndai Santa Fe, Tucson… chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung cho hoạt động sản xuất lắp ráp, ảnh hưởng đến quá trình vận hành từ sản xuất tới phân phối.
Những tác động tiêu cực như tình hình bất ổn ở một số quốc gia, hoạt động logistics bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng chất bán dẫn, thiếu chip... ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp ô tô.
Hyundai nói chung cũng như liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam nói riêng cũng chịu những tác động không nhỏ, do thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất lắp ráp, dẫn đến tình trạng thiếu sản phẩm cung cấp cho thị trường và người tiêu dùng.
“Hiện nay, hầu hết các mẫu xe sản xuất và phân phối tại Việt Nam đều rơi vào tình trạng không đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường, đặc biệt là các dòng xe phân khúc cao cấp, những mẫu được khách hàng và thị trường ưa chuộng. Huyndai Thành Công không nằm ngoài ngoại lệ này. Do đó khách hàng phải chờ đợi khá lâu, thậm chí là một vài tháng mới có thể nhận được chiếc xe đã đặt mua trước đó tại các đại lý.
Thời gian tới, để giải quyết tình trạng khan hàng trên thị trường, một mặt Hyundai Thành Công tiếp tục trao đổi với phía đối tác Hyundai Motor ưu tiên cung cấp tối đa cho thị trường Việt Nam, mặt khác công ty cũng tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bán hàng, giao xe theo thứ tự tại các đại lý, nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng” - đại diện Huyndai Thành Công chia sẻ thêm.
Tìm hiểu thực tế, tại nhiều đại lý của một số hãng xe như Mercedes, Toyota, Honda, Ford, Nissan, KIA… cũng xảy ra tình trạng “xếp gạch, đặt chỗ” tương tự đối với một số mẫu xe “hot” được thị trường ưa chuộng. Có đại lý hẹn khách khoảng 2 - 3 tháng sẽ được nhận xe, tuy nhiên có những nơi không dám hứa chắc chắn thời điểm nào sẽ có xe giao bởi danh sách giữ chỗ đã quá dài.
Chính tình trạng khan hiếm nguồn cung đã tạo cơ hội cho một số đại lý hãng xe tái diễn tình trạng “bán bia kèm lạc”, tức là bắt buộc khách khi mua xe phải mua kèm phụ kiện, “đồ chơi” trang bị theo xe. Tùy theo giá trị của mỗi loại xe mà phụ kiện bán kèm của từng mẫu mã, phân khúc hoặc gói option đi kèm có thể có giá trị từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng/xe. Nếu khách hàng không chấp thuận điều này đồng nghĩa với việc giao dịch mua xe sẽ không thành công.
Anh Nguyễn Công Thạch tại TP. Thủ Đức cho biết, gia đình định mua một chiếc xe nhập khẩu đời 2022 của Hàn Quốc phiên bản cao cấp, với mức giá lăn bánh (đã bao gồm thuế, phí) gần 1, 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi liên hệ đến một số đại lý của hãng xe để đặt hàng đều được trả lời là hiện không có sẵn xe giao, nếu muốn mua phải xếp chỗ, khi nào có xe hãng sẽ gọi lại.
Tại các kênh bán hàng khác bên ngoài, thì mức giá chênh khá nhiều so với giá niêm yết trong hãng, thậm chí hỏi đến xe “lướt” giá bán cũng không mềm hơn bao nhiêu, nên phần lớn lựa chọn của khách hàng vẫn là chờ đợi hoặc chuyển qua mua xe khác.
Trước đó, một số hãng xe cũng đã công bố tăng giá bán với nhiều sản phẩm, nguyên nhân được đưa ra cũng là do tình trạng thiếu hụt linh kiện, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, cước vận chuyển đắt đỏ...
Không chỉ các dòng xe hạng sang, mà rất nhiều mẫu xe bình dân cũng được điều chỉnh tăng giá. Từ hồi đầu tháng 5, nhiều dòng xe Mercedes-Benz đã tăng giá, với mẫu GLB A35 4Matic tăng nhiều nhất, thêm đến 170 triệu đồng. Hay xe Lexus cũng tăng giá bán thêm từ 40 – 70 triệu đồng đối với mẫu xe Lexus LM và GX460. Còn một số dòng xe của hãng Ford, Kia, Toyota cũng được điều chỉnh tăng lên từ 10 - 40 triệu đồng….
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 5/2022 vừa qua, lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 44.500 chiếc (tăng 13,2% so với tháng trước, đạt 39.300 chiếc) và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021, đưa tổng lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 5 tháng đầu năm ước tính lên đến 190.500 chiếc (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021).
Đáng chú ý, không chỉ sản lượng xe sản xuất trong nước tăng cao, trong tháng qua, ô tô nhập khẩu có xu hướng tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 5/2022, tổng lượng sản xuất cả trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 63.500 chiếc.
Một số chuyên gia thị trường nhận định, thời gian tới đây, lượng xe mới xuất xưởng và lượng xe nhập khẩu sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng sẽ tăng lên, có thể đáp ứng đủ nhu cầu mua xe của khách hàng, hứa hẹn thị trường xe nhiều, giá tốt, sẽ sớm chấm dứt cảnh khan hiếm, đặc biệt với một số mẫu xe hot ở các phân khúc như hiện nay.
Tuy nhiên, rõ ràng tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn chưa thể kết thúc sớm, thậm chí khó dịu bớt vào những tháng cuối năm do sức cầu thời điểm này tăng cao.
Thị trường ô tô Việt thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, tùy thuộc vào tình hình kinh tế́, chính trị thế giới, cũng như khả năng đảm bảo nguồn cung ứng trong nước. Vì vậy, trong ngắn hạn, việc lựa chọn mua ô tô, nhất là các sản phẩm đắt tiền, phân khúc cao cấp trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, giá xăng dầu leo thang… về cơ bản vẫn sẽ là khó khăn với người tiêu dùng.