Tăng trưởng trong khó khăn
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nửa đầu năm 2022 xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt. Tuy vậy bước vào quý III/2022 thị trường bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng.
Điều này xuất phát từ các thị trường lớn là Mỹ và EU… lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều.
Ngoài ra, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Cùng với đó là tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Tuy vậy, ông Giang cho biết, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành vẫn đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp thích ứng nhanh
Để đạt con số nói trên, các doanh nghiệp dệt may đã rất nỗ lực và thích ứng rất nhanh với những thách thức của thị trường. Theo đó, xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.
Thêm vào đó, trong cái bối cảnh những đơn hàng truyền thống như đồ Jean, đồ kaki các loại hoặc đồ thun đều bị thiếu đơn hàng, thậm chí có những doanh nghiệp thiếu trên 35%. Nhưng rất nhanh, các doanh nghiệp này bắt đầu chuyển dịch từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi một cách rất nhanh chóng.
Một điểm đáng chú ý khác là các doanh nghiệp ngành cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa và thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi.
Bên cạnh đó, khi đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm. Theo đó không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để đảm bảo việc ổn định cho người lao động.
Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã xuất khẩu vào 26/ 27 quốc gia ở EU. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dịch tầm nhìn, mô hình hoạt động sang các nước như Châu Phi, Mexico…
“Tôi tin rằng trong thời gian tới doanh nghiệp may vẫn thích ứng được, dù rằng quý IV này sẽ khó khăn, thậm chí khó khăn còn có thể kéo dài đến quý I/2023”- ông Vũ Đức Giang nhìn nhận.
Với những thuận lợi, thách thức đan xen, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng xanh, bền vững để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và các nước nhập khẩu.
Đạo luật UFLPA của Mỹ đã có tác động đến ngành dệt may Việt Nam
Theo ông Võ Mạnh Hùng - Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tại Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng, có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ đã bị cơ quan Hải quan nước này giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA).
Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, Hải quan Mỹ có quyền giữ hàng trong vòng 5 ngày để kiểm tra và trong vòng 30 ngày doanh nghiệp phải cung cấp đủ các chứng từ liên quan đến chuỗi cung ứng để chứng minh nguồn gốc lô hàng không có xuất xứ từ bông Tân Cương (Trung Quốc).
Theo ông Hùng, hiện Hải quan Mỹ chưa đưa ra con số cụ thể về việc trong số các lô hàng bị giữ lại có bao nhiêu lô hàng của Việt Nam hay Trung Quốc. Nhưng do chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam có sự gắn bó rất chặt chẽ với Trung Quốc nên ông Hùng đánh giá đây là sự ảnh hưởng khá lớn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đức Giang cho biết, đạo luật UFLPA của Mỹ đã có tác động đến ngành dệt may Việt Nam. Bắt đầu từ quí I/2022, một số nhãn hàng của Mỹ đã yêu cầu dừng các đơn hàng với doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn gốc xuất xứ của vải được sản xuất từ phía Trung Quốc. Để tránh bị ảnh hưởng bởi đạo luật UFLPA, ông Võ Mạnh Hùng khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần sớm minh bạch chuỗi cung ứng của mình và bông Mỹ là một trong những lựa chọn thay thế cho bông có xuất xứ từ vùng Tân Cương.