Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, hiện đang có sự mất cân đối cung cầu xảy ra cục bộ tại một số địa phương lẫn ngành nghề, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Nhu cầu tuyển dụng năm nay của các doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Trong khi đó, nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, riêng quý 2/2022, số lao động có việc làm là 50,54 triệu người, tăng 701,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Về chất lượng, cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Về số lượng, cung lao động được ghi nhận đang thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Tại TP. HCM – thị trường lao động lớn nhất cả nước, nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm cần khoảng 135.000 chỗ làm việc (trong đó nhu cầu nhân lực trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khoảng 20.000 - 25.000 chỗ làm việc). Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 65,41% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 33,63% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung để đáp ứng các đơn hàng hoặc mở rộng quy mô sản xuất, do đó xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số thời điểm tại các xí nghiệp, nhà máy có sử dụng nhiều lao động.
Vấn đề gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động tại TP. HCM do nhiều nguyên nhân như: Các tỉnh hiện nay đều có các khu công nghiệp, do đó người lao động có nhiều lựa chọn trong tìm kiếm việc làm cũng như tiền lương, thu nhập không có sự chênh lệch nhiều giữa làm việc tại quê nhà với thành phố.
Đây là tình hình chung của các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP. HCM khi các doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực may mặc, da giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... đồng loạt quay lại hoạt động và khôi phục sản xuất với năng suất, quy mô như trước khi chưa thực hiện giãn cách xã hội.
Về chính sách thu hút lao động mới tại các doanh nghiệp cũng chưa hấp dẫn người lao động, tiền lương khởi điểm bắt đầu vào làm việc thấp - bình quân từ 6 triệu đồng trở lên (nếu người lao động không làm thêm giờ). Trong thời gian qua, số lượng lao động được tuyển vào để bù đắp cho số lao động nghỉ việc trong năm nên nguồn lao động phục vụ cho mở rộng quy mô sản xuất còn thiếu.
Bên cạnh đó, người lao động có nhu cầu được học tập nâng cao nghề nghiệp, nhu cầu nghỉ ngơi, tuy nhiên khi làm việc trong một số lĩnh vực may mặc, da giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... bắt buộc người lao động phải làm việc theo ca kíp, đội nhóm cũng là hạn chế khi thu hút người lao động vào làm việc.
Về tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư duy trì môi trường làm việc an toàn để giữ chân lao động hiện có và duy trì sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch. Các doanh nghiệp cũng chưa linh hoạt giữa các phương thức làm việc tại nhà/trực tuyến, thay đổi mô hình kinh doanh để tạo được sự kết nối chặt chẽ với người lao động.
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng chưa đón được xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, tìm hướng đi mới phù hợp và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong tương lai.
Về phía người lao động, sự thiếu chủ động trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và thích ứng với các công việc, ngành nghề có tính chuyên môn hóa cao cũng góp phần không nhỏ trong việc làm mất cân đối cung cầu cục bộ.
Ngoài ra, điểm mấu chốt trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc tìm người sớm nhất và thuận tiện nhất. Hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm cần nhận thức được vai trò này của mình, tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thường xuyên tới người lao động và doanh nghiệp.