Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” sáng 20/8.
Còn mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ
Báo cáo về tình hình thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý 2 năm 2022); tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).
Cầu lao động cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỉ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
“Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.
Nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều. “Chúng ta thấy đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ”, Bộ trưởng lý giải.
Là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải tuân thủ các "luật chơi" chung, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động.
Thế giới việc làm và thị trường lao động quốc tế đã và đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19; cuộc cách mạng 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện nay. Là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp (26,2%), đây là một thách thức không nhỏ của nước ta hiện nay.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít nước ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp. “Các doanh nghiệp FDI luôn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng nhận định.
Khẩn trương đánh giá nhu cầu nhân lực theo ngành, lĩnh vực
Trước những thực tế trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để phục hồi, ổn định thị trường lao động, các giải pháp trước mắt cần triển khai đó là khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Song song đó, cần đầu tư công tác dự báo cung-cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm…