Các đơn vị khai thác dịch vụ hậu cần ở Nhật Bản ngày càng lo ngại rằng các kho lạnh lưu trữ thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi sẽ bị thiếu hụt.
Mặc dù hơn 30% kho lạnh tại Nhật Bản đã trên 40 năm tuổi nhưng vẫn chưa được thay thế. Uớc tính cho thấy hầu hết các khu vực của Nhật Bản sẽ cạn kiệt kho lạnh trong 10 năm tới. Nếu tình trạng thiếu hụt ngày một trầm trọng, việc phân phối thực phẩm tươi sống và đông lạnh sẽ bị gián đoạn, đồng thời có thể tạo ra điểm nghẽn trong việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm nhập khẩu ổn định.
Khi ngành kho lạnh tìm cách cải thiện doanh thu và đảm bảo nguồn vốn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bị buộc phải đóng cửa đang kêu gọi sự hợp tác giữa chính phủ và ngành.
Giám đốc điều hành của một công ty kho lạnh lớn cho biết: “Vai trò của kho lạnh đang ngày càng tăng, nhưng toàn ngành lại không đầu tư vào cơ sở vật chất để phục vụ chúng”.
Theo Hiệp hội Kho lạnh Nhật Bản, tính đến tháng 6/2022, 34% kho lạnh ở Nhật Bản đã trên 40 năm tuổi – thời điểm cần được thay thế. Tại nơi đất chật Tokyo, con số này là 46%.
Yuri Nagashima, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu Nomura, ước tính nếu 30% kho lạnh trên 40 năm tuổi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị đóng cửa vào năm 2032, 36 trên 47 tỉnh của Nhật Bản sẽ chứng kiến nhu cầu kho lạnh vượt quá nguồn cung. Trong khi đó, nếu 80% bị đóng cửa, mọi tỉnh đều sẽ thiếu hụt ngoại trừ Gunma.
Kho lạnh là nền tảng cho hoạt động hậu cần các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, hải sản, sản phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh. Trong những năm gần đây, việc phân phối thực phẩm tươi sống trong nước ngày càng tăng nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Ngoài ra còn có nhu cầu lưu giữ chất bán dẫn, dược phẩm và các sản phẩm khác, việc thiếu kho lạnh có thể dẫn đến tình trạng đình trệ các mặt hàng này.
Nhật Bản còn phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Các đơn vị nhập khẩu thực phẩm cần tăng mua hàng khi giá trên thị trường quốc tế giảm hoặc mua liên tục một số lượng sản phẩm nhất định để duy trì mối quan hệ với các nhà cung cấp. Vì vậy, thời điểm mua hàng không phải lúc nào cũng gắn liền với nhu cầu trong nước.
Nếu thiếu nơi cất trữ, Nhật Bản sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm nhập khẩu, và điều này có thể đe dọa nguồn cung thực phẩm ổn định.
Theo Nagashima, các công ty kho lạnh lớn đang mở rộng kinh doanh bằng cách cải tạo và xây dựng kho lạnh mới trong những năm gần đây.
Ví dụ, Yokorei, một công ty bán thực phẩm đông lạnh và điều hành kho lạnh của Nhật Bản, đã đặt mục tiêu tăng công suất chứa của kho lạnh từ 1,04 triệu tấn vào năm 2022 lên 1,3 triệu tấn vào năm 2030.
Mặt khác, chi phí đầu tư như vậy đặt ra thách thức lớn đối với các công ty vừa và nhỏ. Ngoài chi phí vận hành tăng do giá điện tăng vọt, chi phí xây dựng cũng tăng do giá vật liệu tăng khiến việc thay thế kho hoặc xây mới trở nên khó khăn hơn.
Ngay cả khi tiếp tục sử dụng cơ sở cũ, các công ty kho bãi vẫn phải đối mặt với nhu cầu cải tạo hoặc nâng cấp. Kho lạnh sử dụng nhiều lao động và đòi hỏi nhân viên phải chịu đựng nhiệt độ thấp dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.