Trung Quốc đã quay trở lại vị trí quốc gia đào Bitcoin lớn thứ 2 thế giới bất chấp lệnh cấm của chính phủ đối với hoạt động này vào năm 2021. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí số một.
Cụ thể, theo thống kê giai đoạn tháng 9/2021-1/2022 từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF), chỉ số hashrate - sức mạnh tính toán của các mạng Bitcoin đã có biến động mạnh. Sau lệnh cấm khai thác Bitcoin vào tháng 6/2021, tỷ lệ hashrate ở Trung Quốc đã sụt mạnh về 0 trong suốt 2 tháng sau đó.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2021, chỉ số này bất ngờ tăng lên 30,47 terahash/giây, đưa Trung Quốc trở thành khu vực đứng thứ hai toàn cầu, chiếm 22,29% tổng thị trường. Tuy chỉ số hashrate tại quốc gia này có biến động nhẹ, tính đến cuối tháng 1/2022, Trung Quốc vẫn là trung tâm khai thác Bitcoin lớn với 21,11%.
Trong khi đó, cũng theo dữ liệu từ CCAF, Mỹ vẫn là quốc gia khai thác Bitcoin đứng đầu thế giới với 37,84% hashrate toàn cầu trong cùng khoảng thời gian. Hashrate tại nước này cũng tăng mạnh trở lại lên mức cao mới sau khi giảm vào năm 2021.
Trước đó, Trung Quốc từng là quốc gia khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới với hashrate chiếm hơn 75% vào năm 2019. Cho đến năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra lập trường gay gắt đối với những người khai thác Bitcoin, cho rằng hoạt động này là lãng phí năng lượng.
Theo đánh giá của Bloomberg, sau lệnh cấm năm 2021, sự gia tăng đột biến của chỉ số hashrate tại Trung Quốc cho thấy những thợ đào nước này vẫn tiếp tục hoạt động “chui” bất chấp lệnh cấm.
“Điều này cho thấy rằng các thợ khai thác chui đang hoạt động mạnh mẽ tại Trung Quốc, xác nhận những giả định của các chuyên gia trong ngành”, CCAF viết trong báo cáo.
Việc thợ đào trở lại hoạt động khai thác chui có thể là nguyên nhân của sự gia tăng này. Một khả năng khác là con số CCAF đưa ra không chính xác, bởi hashrate của các quốc gia được tổng hợp dựa trên dữ liệu vị trí do các nhóm khai thác cung cấp. Do đó, nếu thợ đào sử dụng VPN để che giấu vị trí thật, thống kê cũng bị sai lệch.
Theo Bloomberg, những sai số trên xuất hiện do nhiều thợ đào đã lách luật bằng cách ẩn địa chỉ IP hay đổi vị trí sang các quốc gia khác bằng cách sử dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN). Thậm chí, một số người còn sử dụng những lưới điện riêng tại các đập thủy điện nhằm qua mắt chính phủ.
Ngoài Trung Quốc, một số nơi như Kosovo, Kazakhstan hay Iran cũng đang siết các hoạt động khai thác Bitcoin. Theo số liệu của CCAF, Kazakhstan hiện đứng thứ ba thế giới về hoạt động đào Bitcoin với 13,22% tổng thị trường, các quốc gia tiếp theo lần lượt là Canada đạt 6,48% và Nga là 4,66%.