Theo Bloomberg, một bối cảnh kinh tế đầy khó khăn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trận động đất mạnh 7,8 độ richter có thể khiến lạm phát gia tăng và làm thâm hụt ngân sách quốc gia.
Nền kinh tế chồng chất khó khăn
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá cổ phiếu lao dốc và lợi suất trái phiếu tăng vọt. Điều này đã phần nào phản ánh mối lo ngại về tình hình tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sự thiếu hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng giao dịch trên thị trường chứng khoán vào ngày 8/2. Giới chức tại quốc gia này đã áp dụng chính sách tiền tệ phi truyền thống lên kế hoạch nhằm kiềm chế lạm phát và cắt giảm chi phí vay.
“Cuộc thảm họa đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Nó làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thị trường do các lỗ hổng đã có từ trước đó trong chính sách tiền tệ”, ông Nick Stadtmiller, người đứng đầu bộ phận sản phẩm của Medley Global Advisors tại New York, cho biết.
Tính đến ngày 8/2, thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 11.600 người thiệt mạng. Không chỉ vậy, hàng nghìn người khác cũng đang bị mắc kẹt bên trong các tòa nhà bị hư hại do trận động đất.
Hiện trọng tâm trước mắt của Thổ Nhĩ Kỳ là cứu chữa các nạn nhân và hạn chế thương vong. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể chịu nhiều áp lực hơn từ việc công bố các kế hoạch chi tiêu tăng cường trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm nay.
Sự gia tăng chi tiêu đã được thể hiện rõ ràng hơn khi ông Erdogan đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ dự kiến xây dựng nhà ở cho cho các nạn nhân bị mất nơi an cư trong 10 tỉnh chịu ảnh hưởng từ động đất. Thời gian ước tính để hoàn thành kế hoạch này là 1 năm. Ngoài ra, mỗi gia đình trong phạm vi xảy ra thảm họa sẽ nhận được khoản tiền 10.000 lira, khoảng 531 USD.
“Chúng tôi ước tính rằng chi tiêu công dành cho trận động đất có thể tương đương với 5,5% GDP”, chuyên gia kinh tế Selva Bahar Baziki của Bloomberg nhận định.
Bên cạnh đó, Oxford Economics cho biết sự gián đoạn ngắn hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ở 10 tỉnh chịu ảnh hưởng từ động đất sẽ làm tổn thất 0,3-0,4% GDP.
Chính sách tiền tệ gây tranh cãi
Các chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu lương thực và gia tăng lạm phát có thể xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thảm kịch động đất sẽ làm cho điều này trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi giới chức quốc gia này vẫn nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Ngân hàng trung ương có thể sẽ chịu áp lực thậm chí còn mạnh mẽ hơn từ chính quyền ông Erdogan trong việc cắt giảm lãi suất để phục hồi tài chính”, ông Piotr Matys, nhà phân tích cấp cao tại In Touch Capital Markets, chia sẻ.
Theo ông Nenad Dinic, chuyên gia tại Bank Julius Baer, trận động đất đã khiến thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đi xuống. Ông cho biết triển vọng dài hạn đối với chứng khoán của quốc gia sẽ phụ thuộc vào lạm phát, các chính sách của của Tổng thống Erdogan và cuộc bầu cử vào tháng 5 năm nay.
“Trong ngắn hạn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải xem xét các chính sách tài chính và tiền tệ. Sự hỗ trợ quốc tế là điều cần thiết để đảm bảo tính ổn định trong khu vực”, ông Simon Quijano-Evans, nhà kinh tế trưởng tại Gemcorp Capital Management, bình luận.
Trước đó, Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cho biết lạm phát nước này trong tháng 9 đã tăng 83,45% so với 1 năm trước và tăng lên mức cao nhất trong 24 năm.
Theo CNN, trong năm ngoái, dù lạm phát hơn 80%, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục hạ lãi suất. Ông Erdogan cho rằng đây là một cách để hạ nhiệt lạm phát và kêu gọi người dân cùng doanh nghiệp tranh thủ lãi suất thấp để đầu tư.