Vào cuối năm 2019, cư dân Arnstadt miền trung nước Đức thức dậy bởi tiếng đục đào nhức óc. Nhóm thợ khi ấy đang động thổ một nhà máy mới ở ngoại ô - nơi trước đây là một nhà máy sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời.
Trải dài hàng chục mẫu Anh, dự án trị giá 2 tỷ USD này nhằm phục vụ một nhà máy sản xuất pin quy mô lớn đầu tiên tại Đức với năng lực cung cấp đủ pin cho hàng trăm nghìn chiếc ô tô điện mỗi năm.Thế nhưng, công trình này không được xây dựng bởi một nhà sản xuất ô tô Đức. Thay vào đó, nó được tài trợ và thi công bởi một công ty đến từ đại lục: CATL.
CATL năm đó đã đạt được các thỏa thuận cung cấp pin cho Volkswagen và BMW khi các nhà sản xuất ô tô này tìm cách tự tái tạo và loại bỏ động cơ đốt trong. CATL cũng đạt thỏa thuận cung cấp pin cho xe buýt và xe tải điện của Daimler.
Đức được biết đến là quê hương của ngành công nghiệp ô tô. Tại đây, vào năm 1879, Karl Benz đã chế tạo và vận hành một trong những động cơ đốt trong đầu tiên - nền móng cho lĩnh vực xe hơi của thế giới. Đức cũng là quê hương của Volkswagen, một trong những công ty ô tô lớn nhất thế giới và một số các thương hiệu khác như BMW, Audi, Mercedes-Benz và Porsche. Ước tính, ngành công nghiệp ô tô chiếm 1/7 số việc làm ở Đức, 1/5 xuất khẩu và 1/3 ngân sách cho hoạt động nghiên cứu.
Thế nhưng, thỏa thuận với CATL năm ấy được coi như một sự thừa nhận gián tiếp, rằng ngành công nghiệp xương sống của đất nước cuối cùng thất bại. Không phải vì không thể tạo ra những chiếc ô tô như mọi người mong muốn, mà vì chưa phát triển được thứ công nghệ quan trọng mang tên pin lithium-ion.
Bất chấp hàng tỷ USD đầu tư của phương Tây, Trung Quốc vẫn đi đầu trong công cuộc khai thác khoáng sản quý hiếm, đào tạo kỹ sư và xây dựng các nhà máy khổng lồ. Đến năm 2030, đại lục sẽ sản xuất nhiều gấp đôi lượng pin của những quốc gia khác cộng lại, theo ước tính từ nhóm tư vấn Benchmark Minerals.
Vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, ít người ngờ được rằng pin lithium-ion có nhiều sức mạnh đến vậy. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới về pin lithium-ion, chính là điều đáng tiếc nhất đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, với người Mỹ và với cả người Nhật.
Phóng viên tờ Bloomberg đã tới văn phòng của phó chủ tịch CATL, ông Huang Shilin, để khai thác câu chuyện đằng sau thành công này. Đó là một buổi chiều tháng 11/2018. Sương mù dày đặc bao trùm cả ngọn núi, để lộ ra vùng vịnh thông ra biển Hoa Đông. Hai người cùng ngồi trò chuyện về pin - một phát minh với tuổi đời 200 năm.
Về mặt kỹ thuật, pin giúp chuyển đổi năng lượng hóa học thành năng lượng điện. Sản phẩm đầu tiên được phát minh bởi nhà hóa học người Ý Alessandro Volta vào năm 1799, song phải đến 60 năm sau, khi hóa học axit chì ra đời, người ta mới có thể kéo dài tuổi thọ pin thay vì chỉ sử dụng 1 lần.
Vào cuối thế kỷ 19, pin axit chì được phát triển trên quy mô lớn giúp cung cấp năng lượng cho những chiếc ô tô đời đầu. Thế nhưng, do pin này chỉ có tuổi thọ ngắn, cuộc cách mạng xe điện phải đợi đến khi có pin lithium-ion.
Trong thập kỷ tiếp theo, pin lithium-ion được nghiên cứu sôi nổi trên khắp thế giới, đồng thời nâng cấp dần thành một sản phẩm thương mại khả thi. Năm 1992, Sony trở thành công ty đầu tiên thương mại hóa thành công pin lithium-ion.
ATL, công ty được thành lập bởi Zeng Yuqun, trong vòng 2 năm đã sản xuất được một lượng pin lithium-ion đủ dùng cho 1 triệu thiết bị. Năm 2005, ATL được mua lại bởi TDK - một công ty Nhật Bản nổi tiếng nhất với băng cassette và đĩa CD.
Công cuộc sản xuất pin xe điện bắt đầu từ năm 2006, với động lực chủ yếu đến từ Reva, một công ty Ấn Độ. Vào thời điểm đó, Reva đang sản xuất G-Wiz - chiếc ô tô điện hai chỗ ngồi chạy bằng pin axit chì cải tiến. Tốc độ tối đa là 40 km/h với phạm vi hoạt động 80km, song tốc sạc rất chậm. Pin lithium-ion khi đó sẽ giúp tăng tốc và phạm vi hoạt động của xe, đồng thời cho phép Reva sạc nhanh hơn.
Để tìm ra giải pháp, ông Huang và ông Zeng đã thành lập một bộ phận nghiên cứu trong ATL, sau đó mua giấy phép công nghệ từ Mỹ. Vào thời điểm đó, rất ít công ty Trung Quốc mua giấy phép hoặc đầu tư hàng triệu USD cho pin ô tô theo cách này.
Các công ty Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp hoặc sao chép từ các công ty nước ngoài, song với nỗ lực nghiên cứu của riêng mình, ATL đã phá vỡ khuôn mẫu và tạo tiền đề cho sự thống trị của Trung Quốc đối với một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất thế kỷ 21.
Đến năm 2008, Trung Quốc triển khai một đội xe buýt điện thử nghiệm tại Thế vận hội Bắc Kinh – một số chúng chạy bằng pin ATL. Đây chính là bước khởi đầu trong tham vọng thúc đẩy công cuộc điện khí hóa phương tiện giao thông của giới chức đại lục nhằm cắt giảm khí thải.
Huang và Zeng ngay lập tức nhìn thấy cơ hội. Vào năm 2011, họ thành lập công ty con CATL, trong đó, C là chữ viết tắt của Contemporary để thể hiện niềm tin với loại pin lithium-ion màu nhiệm.
Kể từ đó, CATL được coi là nhân tố quan trọng giúp Trung Quốc đạt được vị thế thống trị pin xe điện của thế giới. Sự tăng lên trong nhu cầu cũng như doanh số xe điện toàn cầu đã giúp lợi nhuận quý II/2023 của ‘ông trùm’ này tăng 63% lên 10,9 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Doanh thu tăng 56% lên 100 tỷ nhân dân tệ, vượt xa kỳ vọng của một số nhà phân tích.
Theo Bloomberg, CATL hiện vẫn giữ ngôi vương nhà cung cấp pin EV lớn nhất thế giới. Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ xanh hiện được định giá khoảng 140 tỷ USD trong bối cảnh phạm vi tiếp cận quốc tế của CATL ngày càng trở nên hiệu quả.
Theo: Bloomberg