Thỏa thuận bước đầu mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được cuối tuần qua có thể giúp Mỹ tránh được kịch bản xấu nhất là vỡ nợ dẫn đến sụp đổ tài chính. Nhưng nó cũng có thể làm nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm rủi ro suy thoái, theo Bloomberg.
Khi Mỹ đối mặt nhiều thách thức trong những quý vừa qua, chính khoản chi tiêu từ chính phủ liên bang đã giúp hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, động lực ấy nhiều khả năng sẽ mất đà sau thỏa thuận giới hạn trần nợ.
Hai tuần trước thỏa thuận, các nhà kinh tế của Bloomberg ước tính khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm tới là 65%.
Rủi ro tác động
Đối với các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giới hạn chi tiêu là một yếu tố cần cân nhắc khi cập nhật dự báo về tăng trưởng và lãi suất cột mốc, dự kiến công bố vào ngày 14/6.
“Điều này sẽ làm chính sách tài khóa thêm giới hạn vào đúng thời điểm chính sách tiền tệ cũng bị hạn chế. Cả hai chính sách đang đi ngược lại và khuếch đại tác động lẫn nhau”, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại KPMG, cho biết.
Thị trường hợp đồng tương lai Mỹ trong phiên giao dịch sáng 29/5 tại châu Á chứng kiến những diễn biến tích cực. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,4% vào 9h02 tại Tokyo, trong khi Nasdaq tăng 0,6%. Hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống, khiến lợi suất tăng nhẹ lên 4,46%.
Giới hạn chi tiêu chính phủ Mỹ dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10, nhưng một số tác động nhỏ có thể xuất hiện trước thời điểm ấy, như tác động từ việc thu hồi khoản hỗ trợ Covid-19 hoặc việc giảm dần hỗ trợ đối với nợ sinh viên. Dù vậy, những biện pháp này khó có tác động mạnh đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.
Với việc chi tiêu của chính phủ Mỹ cho năm tài khóa sắp tới dự kiến được giữ quanh mức năm 2023, các hạn chế của thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực vào đúng thời điểm kinh tế Mỹ có thể đang thu hẹp. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát trước đây đánh giá rằng GDP Mỹ trong cả quý III và quý IV có thể giảm 0,5%.
“Số nhân tài khóa có xu hướng tăng cao khi suy thoái. Nếu nước Mỹ bước vào suy thoái, việc chi tiêu tài khóa suy giảm có thể tác động lớn đến GDP và việc làm”, Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại JPMorgan Chase &Co., nói.
Tín hiệu tích cực
Dù vậy, khi nền kinh tế Mỹ chậm lại, chính sách tài khóa có thể hoạt động song song với chính sách tiền tệ và giúp giảm lạm phát.
“Đây là diễn biến quan trọng. Đã hơn một thập kỷ kể từ khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa đi cùng một hướng. Có lẽ kiềm chế tài khóa sẽ có tác động đến lạm phát”, Jack Ablin, giám đốc đầu tư tại Cresset Capital Management, cho biết.
Bất chấp việc Fed tăng 5 điểm % lãi suất vào tháng 3/2022 - động thái chủ chốt trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất kể từ những năm 1980, nền kinh tế Mỹ cho đến nay đã chứng tỏ khả năng phục hồi.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện tại là 3,4%, mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua, nhờ nhu cầu lao động cao. Người tiêu dùng cũng vẫn còn khoản tiết kiệm dư thừa từ đại dịch Covid-19.
Các quan chức Fed sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, bởi ngoài tác động đến triển vọng kinh tế, thỏa thuận mới sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường tiền tệ và sự thanh khoản.
Khi mức trần nợ bị thỏa thuận đình chỉ ở mốc 31.400 tỷ USD, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải tăng doanh số bán tín phiếu kho bạc để đưa kho dự trữ tiền về mức bình thường.
Làn sóng phát hành mới tín phiếu kho bạc như trên về cơ bản sẽ khiến tính thanh khoản trong hệ thống tài chính giảm mạnh, nhưng hiện nay chúng ta còn khó có thể đánh giá tác động của động thái này. Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cũng có thể tính toán thời điểm phát hành để giảm tác động xuống mức tối thiểu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước cho biết Mỹ sẽ cần phải siết ngân sách cơ bản ở mức 5 điểm % của GDP để giảm nợ công “một cách dứt khoát vào cuối thập kỷ”. Yêu cầu này sẽ không thể được đáp ứng nếu chi tiêu được giữ ở mức ngang với năm 2023.