Nhà báo Anne-Marie Schiro đã dùng cụm từ ‘thời trang nhanh’ để nói về Zara International tại Upper East Side, Manhattan hồi năm 1989 và cho rằng thương hiệu này đang nói một thứ ngôn ngữ đặc biệt dành riêng cho những người trẻ ‘thay quần áo như son môi’. Kết quả, đến năm 2012, công ty mẹ Inditex của Zara đã sản xuất 840 triệu sản phẩm may mặc mỗi năm.
Ngày nay, cạnh tranh với gã khổng lồ thời trang nhanh thế hệ đầu tiên này là các thương hiệu hiểu về truyền thông xã hội, có giá cả phải chăng, chẳng hạn như nhà bán lẻ Boohoo của Anh và Shein của Trung Quốc. Nhìn chung, tất cả đều tăng tốc độ sản xuất, tiêu thụ và loại bỏ quần áo.
Dư thừa hàng may mặc giá rẻ đã khiến môi trường gánh chịu hậu quả. Ủy ban Châu Âu ước tính, người dân châu Âu trung bình vứt bỏ 12kg quần áo mỗi năm và việc tiêu thụ hàng dệt may đã gây ra “tác động tiêu cực cao thứ tư đến môi trường”.
Để khắc phục điều này, ‘nơi khai sinh’ ra thời trang nhanh đang có những động thái tích cực.
Cụ thể, đến năm 2030, Brussels muốn các sản phẩm dệt may nhập khẩu vào EU đều có thể tái chế, không chứa chất độc hại và được sản xuất trong điều kiện thân thiện với môi trường. Đây là một phần của kế hoạch “nền kinh tế tuần hoàn”, trong đó yêu cầu lượng quần áo tiêu thụ và thải bỏ phải giảm tốc.
EU hy vọng đạo luật của mình sẽ khuyến khích các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu học hỏi, sau đó buộc các thương hiệu phải suy tính lại về cách thức kinh doanh. “Công nghiệp chưa bao giờ là một phần của câu chuyện và tôi nghĩ đó là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Điều này chắc chắn sẽ khiến họ suy nghĩ theo cách có trách nhiệm hơn”, Virginijus Sinkevičius, ủy viên môi trường của EU, nói với FT.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các đề xuất này còn quá mơ hồ và chưa đào sâu cụ thể. Maxine Bédat, cựu luật sư kiêm tác giả cuốn Unraveled: The Life and Death of a Garment, cho biết: “Mục đích ‘chúng tôi muốn chấm dứt thời trang nhanh’ vẫn chưa được chuyển thành luật”.
Chẳng hạn, theo các mục tiêu tái chế rác thải mới, các quốc gia thành viên được yêu cầu thu gom hàng dệt may bị loại bỏ từ năm 2025. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các cơ sở tái chế cần thiết lại không đủ điều kiện xử lý các loại sợi, chẳng hạn như bông và polyester. Elastane, chất vốn được thêm vào nhiều loại quần áo để tăng độ co giãn, trước tiên cũng phải được chiết xuất để tránh gây ô nhiễm trong quá trình tái chế.
“Chúng ta đề cao tính tuần hoàn song lại không có giải pháp công nghệ”, Maxine Bédat nói.
Sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ trực tuyến đã kéo theo một lượng lớn quần áo giá rẻ được làm từ polyester. Chúng không có giá trị bán lại vậy nên cuối cùng sẽ bị đốt hoặc tồn tại hàng trăm năm tại các bãi chôn lấp ở các nước đang phát triển. Cơ quan Môi trường Châu Âu dự đoán, sản lượng dệt may toàn cầu, trong đó 81% được sử dụng cho ngành công nghiệp quần áo, đã tăng gần gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015. Tiêu thụ hàng may mặc và giày dép dự kiến tăng thêm 63% từ năm 2022 đến năm 2030 lên 102 triệu tấn.
Sự dư thừa quần áo giá rẻ khiến người tiêu dùng ngày càng coi đây là những món đồ dùng một lần. Chẳng hạn, nếu giá trung bình của một mặt hàng do Shein bán ra là 7,6 USD thì việc mua mới sẽ thuận tiện hơn là đem đi sửa.
Cho đến nay, ngành thời trang phần lớn vẫn được tự điều chỉnh, bất chấp việc các nhóm ngành và nhà thiết kế kêu gọi chính phủ can thiệp nhiều hơn. Trong số tất cả các quốc gia thành viên EU, chỉ có Pháp, Thụy Điển và gần đây nhất là Hà Lan thực hiện các kế hoạch buộc các nhà sản xuất chịu trách nhiệm về lượng chất thải họ tạo ra.
Các thương hiệu bao gồm H&M, Zara và Primark trước đó đã triển khai chương trình đổi quần áo cũ lấy phiếu giảm giá. Chính sách này bị lên án mạnh mẽ bởi những người ủng hộ tính bền vững bởi chúng khuyến khích nhu cầu tiêu dùng tiếp theo.
Cho đến nay, 369 công ty dệt may, giày dép và xa xỉ phẩm đã tự nguyện cam kết thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chỉ có 170 dự án được phê duyệt bởi sáng kiến Mục tiêu dựa trên Khoa học - sự hợp tác giữa Dự án Carbon, Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc, Viện Tài nguyên Thế giới và Quỹ Thiên nhiên Thế giới.
Trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng thương mại toàn cầu, nỗ lực thúc đẩy sự bền vững của EU được cho là sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí. Euratex, cơ quan công nghiệp dệt may châu Âu, ước tính hiện có 16 điều luật liên quan đến dệt may đang được soạn thảo, từ mua sắm công bền vững đến các quy định về sử dụng hóa chất và xử lý chất thải.
Tại Mỹ, các tập đoàn thương mại thời trang gần đây đã thông qua một dự luật đề xuất ở California, được gọi là SB 253, yêu cầu các công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD phải báo cáo lượng khí thải nhà kính trên chuỗi giá trị mỗi năm. Một đề xuất riêng ở New York có tên là Đạo luật Thời trang sẽ yêu cầu tất cả các nhà bán lẻ quần áo và giày dép có doanh thu toàn cầu ít nhất 100 triệu USD phải đạt được các mục tiêu giảm tác động đến môi trường, nếu không sẽ bị phạt tới 2% doanh thu hàng năm.
Một số cho rằng những yêu cầu này là không thực tế. “Đối với ngành công nghiệp lâu đời nhất trên thế giới, chuyển đổi xanh là một thách thức. Chuỗi giá trị chưa được thiết lập để chuẩn bị cho điều đó”, Mauro Scalia, giám đốc Euratex cho biết.
Số khác cho rằng nỗ lực thay đổi hành vi người tiêu dùng mới chính là chìa khóa thúc đẩy ngành hướng tới sự bền vững. EU hiện đang nghiên cứu một phiên bản sửa đổi dành cho hàng dệt may. Brussels cũng có kế hoạch thiết lập “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số” để cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về cách tái chế cũng như sửa chữa sản phẩm.
Theo: FT, Bloomberg