Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Số liệu dự báo cho thấy, trong kỳ nghỉ Tết năm nay công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm còn 16.000-17.000 MW, tương ứng với khoảng 60% so với ngày làm việc bình thường.
Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 21.000 MW (bao gồm gần 16.200 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió), chiếm tỉ lệ 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện (khoảng 77.800 MW). Như vậy, chỉ riêng về nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện toàn hệ thống trong các giờ thấp điểm trưa của ngày Tết.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trong thực tế vận hành, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống (như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện...) ở mức tối thiểu để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống điện, cũng như có đủ công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện, hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế.
Chính vì vậy, khi phụ tải xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ, việc điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Nhận định về nhu cầu sử dụng điện trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết: “Dự kiến phụ tải các ngày Tết Nguyên đán từ ngày 14-20/1/2023 (tức từ này 23-29 tháng 12 âm lịch) nhu cầu điện giảm còn 60-63% so với ngày bình thường. Đây là thách thức không nhỏ với A0 trong việc đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định và liên tục”.
Theo ước tính, thời điểm 12h, phụ tải giảm thấp chỉ khoảng 15.000MW, điện mặt trời và điện gió vào khoảng 13.000 MW. Các nguồn truyền thống điều độ được phải giảm duy trì ít nhất khoảng 6.000-7.000 MW để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống
“Với công suất đặt của năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27% hệ thống điện, ngày Lễ, Tết dự báo năng lượng tái tạo chiếm khoảng 70% phụ tải quốc gia, khả năng hấp thụ chỉ được 39-45% công suất”, ông Nguyễn Đức Ninh cho biết thêm.
Cũng theo tính toán, dự kiến vào các khung giờ thấp điểm trưa thì sản lượng điện hấp thụ/sản lượng dự báo theo sơ cấp (điện mặt trời solar farm, điện gió) chiếm khoảng 90-107/120 triệu kWh; tỷ lệ sản lượng/công suất hấp thụ thập thấp điểm trưa từ 10h-13h vào khoảng 75-89%/45-68%.
"Với phân tích và dự báo trên thách thức đặt ra cho công tác điều độ hệ thống là rất khó khăn trong điều kiện dư thừa nguồn điện, đảm bảo cấp nước hạ du, điện áp tăng cao, quán tính hệ thống giảm thấp, dự phòng công suất điều chỉnh tần số giảm thấp, có thể ảnh hướng đến ổn định tần số", ông Nguyễn Đức Ninh chia sẻ.
Để đảm bảo quán tính hệ thống, cần phải quy trì tối thiểu 15 tổ máy nhiệt điện than miền Bắc, 3-4 tổ máy nhiệt điện than ở miền Nam và ở miền Trung là 4-5 tổ.
Trước tình hình trên, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án cũng như kịch bản ứng phó nhằm đảm bảo điện dịp Tết Nguyên đán 2023.
Theo đó, trong công tác vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tính toán, lập phương án vận hành nguồn, lưới và chỉ huy vận hành theo tình hình thực tế.
Theo đó, A0 đã lập phương thức đảm bảo Tết Nguyên đán 2023, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho đội ngũ đi ca thông qua chuyển đổi phòng điều khiển dự phòng, rà soát các trang thiết bị cần thiết; chuẩn bị các biện pháp điều chỉnh điện áp: Rà soát toàn bộ kháng bù ngang 500kV đảm bảo để đưa vào vận hành trong đợt Tết Nguyên đán; lập danh sách các ĐZ 500kV, 220kV,110kV để cắt dự phòng trong trường hợp điện áp tăng cao và hết biện pháp điều chỉnh ( dự kiến phải tách dự phòng khoảng 10 đường 500kV, 25 ĐZ 220kV)…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị các đơn vị phối hợp và tuân thủ lệnh điều độ của A0 để hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định và liên tục.
Đồng thời, trong các ngày Tết (từ 0h ngày 20/1 đến hết ngày 26/1, tức từ 29 đến mùng 5 Tết) không thực hiện các công tác cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp cắt điện để xử lý sự cố. Bên cạnh đó, EVN cũng yêu cầu các đơn vị quan tâm thực hiện các biện pháp việc đảm bảo phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng địa phương.