Một trong những nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: bồi thường thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp đất đai… được các đại biểu quốc hội đóng góp ý kiến.
Chênh lệch địa tô quá lớn
Vấn đề chênh lệch địa tô từ việc thu hồi đất đai đã gây những bức xúc khá lớn đối với những người dân bị thu hồi đất trong quá trình phát triển, xây dựng các đô thị. Nguyên nhân, do chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có những điểm không nhất quán dẫn đến chênh lệch này.
Dẫn những kinh nghiệm từ thực tế, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), cho biết việc đền bù giải phóng mặt bằng của Việt Nam còn nhiều tồn tại hạn chế. Qua giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng chỉ ra hạn chế này và đây là lãng phí lớn.
Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương tại tổ thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: HQ.
Kinh nghiệm khi cùng thực hiện dự án tại Việt Nam cho thấy, những dự án sử dụng vốn ODA hay vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có công tác chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian hơn, nhưng công tác tái định cư làm rất tốt. Vì các báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo tiền khả thi được làm đồng thời với báo cáo xã hội và tái định cư. Trong khi đó, các dự án đầu tư công của ta lại thường giao tái định cư cho địa phương, nên gây ra bất cập.
“Về nguyên tắc là bảo đảm người dân vùng dự án sau khi di dời có được cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn, nhưng nếu không đánh giá kỹ sẽ không biết được người dân có thực sự có cuộc sống tốt hơn hay không”, ông Huân nhấn mạnh.
Cho rằng nhiều vùng tái định cư không bảo đảm đời sống cho người dân, theo đại biểu Lương Quốc Đoàn (An Giang), cần quan tâm cụ thể đến khảo sát, đánh giá tạo sinh kế cho những người mà bị mất đất, đặc biệt là trong sản xuất.
Đại biểu Lương Quốc Đoàn (An Giang)ại tổ thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: HQ.
Nhận định về quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” theo đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) là chưa phù hợp.
Thay vào đó, dự thảo luật nên quy định cụ thể luôn để tránh việc lạm dụng việc thu hồi đất tại các địa phương, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người nông dân.
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 97 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ông Lê Hữu Trí cho biết, nội dung này đã được đề cập tại luật cũ và các văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, triển khai không dễ dàng.
Thực tế cho thấy, việc bồi thường chưa bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, phần lớn chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động.
“Chúng ta thấy rõ ràng, nhất là người dân khi bị thu hồi đất thì dẫn đến mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, phần lớn lại không có cơ hội và không đủ điều kiện để tìm được việc làm mới. Do vậy dễ phát sinh khiếu kiện... Cần có chính sách và thể chế đầy đủ các nội dung bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất, của nhà đầu tư trong việc thu hồi đất”, đại biểu Trí nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về vấn đề Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết, từ lần sửa đổi Luật đất đai năm 2003, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề Nhà nước chỉ nên tập trung thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng. Qua gần 10 năm thực hiện luật, thực tế cho thấy vấn đề thu hồi đất đã gây không ít sự việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng quyền lợi, lòng tin của người dân.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, mục đích phát triển kinh tế, xã hội, lợi ích công cộng rất rộng, liệt kê vào luật sẽ "chỗ thiếu chỗ thừa". Do vậy, luật chỉ quy định Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân.
Bà Lan cho rằng bồi thường cho người dân phải theo giá thị trường. Một khi giá trị đất đai tăng, phải chia sẻ sự thịnh vượng cho người dân, vì họ đã bỏ công sức ra khai phá, tạo lập mảnh đất đó.
Cần nhà ở vừa túi tiền
Một vấn đề thiết thực cần quan tâm hiện nay là nhà ở cho đa số người dân. Vì trong thời gian qua, tình trạng nhà ở có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp ngày càng khan hiếm.
Bà Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cho biết để xảy ra tình trạng này một phần là do các quy định của Luật Nhà ở 2014 đã không đồng bộ với Luật Đất đai 2013.
Bên cạnh đó, các chính sách quy hoạch và ưu đãi nhà đất hiện nay đang phân bố không đồng đều, có nơi tập trung phát triển, có nơi chưa được để tâm nâng cao đổi mới.
Giải quyết vấn đề này, theo bà Lệ cần phải tập trung điều chỉnh lại các chính sách quy hoạch, chính sách ưu đãi. Trong đó, việc sử dụng các quỹ đất hỗ trợ cần được xem xét và đánh giá hợp lý, tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận đất đai, nhà ở.
Để không chỉ doanh nghiệp, người có thu nhập cao mà tầng lớp công nhân, người lao động chân tay cũng có điều kiện tìm được nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị, thuận tiện cho đi làm và sinh hoạt.
“Khi giải quyết được vấn đề quy hoạch, vấn đề cung cầu cũng sẽ có cơ sở để dần dần quay về quỹ đạo ổn định, từ đó có thể kiểm soát được giá đất thị trường, giúp thị trường đất đai trở nên bình ổn, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tham nhũng đất đai hiện hữu trong đời sống” bà Lệ nhấn mạnh.