Theo báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 6/2022 ước đạt 114,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 930 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 66,1% dự toán năm và tăng mạnh mẽ 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng thu nhờ nội lực của nền kinh tế
Thông tin cụ thể về kết quả thu ngân sách do ngành thuế quản lý tại hội nghị Sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm 2022, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, lạc quan chia sẻ rằng những tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý 2 tăng hơn 7,7%, cao kỷ lục 10 năm; số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp, đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp. Nhiều ngành thậm chí bứt tốc vượt mức trước dịch như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Nhờ đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 741.145 tỷ đồng, bằng 64,6% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Có được kết quả khả quan trên, theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, là do cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là các chính sách thuế mới, cùng cơ chế thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế.
“Thu từ dầu thô đạt cao do ảnh hưởng từ giá dầu thế giới những tháng đầu năm 2022 tăng cao. Giá dầu Brent đang dao động trong khoảng 110 - 115 USD/thùng có những tác động đến thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2022”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn lý giải.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, khoảng 30.354 tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhờ hàng loạt chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được thực hiện.
Đồng thời, ngành thuế cũng đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thanh tra, kiểm tra chống thất thu, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường thu hồi nợ đọng.
Bên cạnh đó, thu từ dầu thô ước đạt 34.116 tỷ đồng, vượt 21% so với dự toán, tăng đột biến 80,3% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 100,4 USD/thùng, vượt 67,3% so với giá dự toán, tăng 61,8% so với cùng kỳ với sản lượng ước đạt 4,21 triệu tấn, bằng 60,1% dự toán, giảm nhẹ 7,9% so với sản lượng cùng kỳ.
Ngoài ra, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 6/2022 ước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 154,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán năm và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan thực hiện hải quan một cửa ASEAN và ứng dụng công nghệ thông tin giúp hàng hóa thông quan thuận lợi, giúp tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đạt khá, thu từ đất tăng cao
Đánh giá chi tiết về tiến độ các chỉ tiêu, khu vực thu, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, 6 tháng đầu năm, có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá trên 55%.
Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 56,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 56,6%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 67,6%; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 77,4%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 68,5%; thu tiền cho thuê đất ước đạt 82%.
Đáng chú ý, thu tiền sử dụng đất ước đạt 107.607 tỷ đồng, bằng 79,7% dự toán, tăng 35,1% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thu xổ số kiến thiết ước đạt 19.054 tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, bằng 81,1% so cùng kỳ. Thu lợi nhuận chênh lệch và cổ tức được chia ước đạt 33.712 tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán, tăng 29,8% so cùng kỳ. Chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước ước đạt 2.368 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán. Thu khác ngân sách đạt 70,3%...
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, vẫn còn 3/19 khoản có tiến độ thu chậm là thuế bảo vệ môi trường ước đạt 48%. Số thu từ chỉ tiêu này đạt thấp do thực hiện Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa có hiệu lực từ ngày 1/4/2022; thu phí – lệ phí ước đạt 53,6%; thu tiền cho thuê bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ước đạt 23,9%.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thuế, có 60/63 địa phương có số thu đạt trên 50% dự toán. Một số địa phương có số thu đạt cao như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh...
Tuy nhiên, vẫn còn 3/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán thấp dưới 50% là Lai Châu ước đạt 46%; Cao Bằng ước đạt 42%; Sơn La ước đạt 44,2%.
Đánh giá về tiến độ thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng ngành thuế tăng tốc số hóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng eTax mobile dành cho cá nhân vừa đi vào vận hành giúp nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam và từng cá nhân tự giác kê khai, nộp thuế điện tử. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số thu ngân sách tăng lên đáng kể, đặc biệt tăng thu đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ông Thịnh dẫn chứng, nếu như năm 2016, số thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng nhưng gần đây sự chuyển biến rõ rệt trong thu thuế từ các “ông lớn” như Google, Facebook.
Quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc không để lọt nguồn thu cũng như tăng tốc số hóa ngành tài chính, thuế, hải quan cũng khiến tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với người nộp thuế, tránh nhũng nhiễu, gây phiên hà...
Việc số hoá cũng giảm thiểu các công việc, giúp cơ quan thuế dành nhiều thời gian, lực lượng cho thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thu thuế, nộp thuế. Từ đó, tốc độ tăng trưởng về thu ngân sách nhà nước đạt cao.
Cùng với đó, do nhiều sắc thuế tính trên tỷ lệ phần trăm nên khi giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng lên do "bão giá" cũng khiến số thu thuế cũng tăng theo, vì vậy, tăng thu ngân sách không hẳn là điều đáng mừng.
Những tháng đầu năm, doanh nghiệp và người dân vẫn canh cánh nỗi lo về giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá hàng hoá leo thang làm lợi nhuận, thu nhập bị bào mòn.
Điệp khúc giải ngân vốn chậm
Về phía chi ngân sách nhà nước, tổng chi tháng 6/2022 ước đạt 139,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 509,2 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán năm và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn chi trả nợ lãi 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 50,1% và giảm 8,5%.
Riêng về chi đầu tư phát triển lũy kế đến cuối tháng 6 mới đạt 150,4 nghìn tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch và đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%).
Trong đó, vốn trong nước đạt 147.418,92 tỷ đồng, đạt 26,76% kế hoạch và đạt 29,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%). Còn vốn nước ngoài đạt 2.996,86 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành vỏn vẹn 8,61% kế hoạch (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).
Đáng chú ý, có 40/51 bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó, có 25 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Cũng đáng quan ngại, dù gần kết thúc 6 tháng đầu năm nhưng vẫn còn 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn, gồm: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam.
Như vậy, 6 tháng đầu năm 2022, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, ngân sách nhà nước thặng dư 219,9 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Đầu tư công được coi là một trong những trụ cột vực dậy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch, vì vậy, Chính phủ ra sức thúc ép, thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc nhưng tình trạng giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình hỗ trợ triển khai chưa đạt yêu cầu. Rõ ràng, chi đầu tư phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng chi tiêu, quyết toán dồn dập.
Dù ngân sách bội thu nhưng dư luận cũng bày tỏ băn khoăn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển.
Nhìn nhận tình hình thu chi ngân sách những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng lạc quan chia sẻ nền kinh tế đang phục hồi và phát triển rõ rệt.
Chính vì vậy, điều quan trọng là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư, đặc biệt là dùng vốn đầu tư công để làm vốn mồi, thu hút đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lo ngại đầu tư công hiện có rất nhiều vướng mắc. Một mặt, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh đầu tư công cũng là cách chống lại lạm phát bởi giải ngân nhanh sẽ đỡ chịu áp lực lạm phát.
Mặt khác, công trình hoàn thành nhanh thì hiệu quả sử dụng càng cao. Còn nếu công trình kéo dài năm này qua năm khác thì giá tăng, hiệu quả thấp sẽ khiến doanh nghiệp lỗ nặng kéo lùi sức sống của nền kinh tế.